Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Quy định trang phục giảng đường với sinh viên: vì sao cần thiết?

Kinhtedothi – Một số cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định về trang phục cho sinh viên và nêu rõ những loại trang phục sinh viên không được sử dụng khi đến trường. Quy định trên nhận được sự quan tâm, đồng tình của đông đảo dư luận.

Điểm danh những trang phục không phù hợp

Trang phục khi đến giảng đường là vấn đề được nhiều trường đại học truyền thông, nhắc nhở sinh viên nghiêm túc thực hiện. Đơn cử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh yêu cầu sinh viên khi đến trường, đến lớp học hoặc liên hệ công việc tại các đơn vị của trường phải đeo thẻ, mang giày dép có quai hậu (không mang dép lê, dép xỏ ngón). Sinh viên phải mặc đồng phục của trường theo quy định vào ngày thứ Hai. Các ngày khác trong tuần, sinh viên phải mặc trang phục lịch sự, kín đáo (không mặc quần soóc, quần lửng, áo hai dây, áo sát nách).

Vẫn còn tình trạng sinh viên ăn mặc chưa phù hợp khi đến giảng đường. Ảnh minh họa

Trong quy định về trang phục cho sinh viên mới được Trường Đại học Y Hà Nội ban hành nêu rõ: sinh viên không được mặc quần ngắn, váy ngắn lộ đầu gối, cạp trễ hay quần jean rách; áo trễ cổ, sát nách, áo ngắn ngang thắt lưng quần; đi dép không có quai hậu; nhuộm tóc màu sặc sỡ, sáng màu.

Quy định này không chỉ áp dụng với sinh viên trong thời gian ở trường, mà cả với hoạt động khác bên ngoài, ví dụ bệnh viện, cơ sở thực hành, học giáo dục quốc phòng, tham gia hoạt động của các câu lạc bộ.

Với các sự kiện cụ thể do nhà trường tổ chức, sinh viên mặc trang phục truyền thống theo mùa và hoạt động: quần dài tối màu, với nữ có thể mặc váy qua đầu gối, đi giày, dép quai hậu. Đặc biệt, nhà trường khuyến khích sinh viên dân tộc thiểu số mặc trang phục dân tộc trong ngày lễ, Tết, ngày hội phù hợp và những ngày nhà trường không quy định mặc đồng phục.

Trước đó, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội phát hành thông báo về việc thực hiện quy định trang phục đến trường đối với sinh viên; trong đó yêu cầu, sinh viên đến trường phải mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, kín đáo, phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam và văn hóa học đường; không được mặc các trang phục như: quần đùi, quần soóc, quần jean mài rách bẩn, váy ngắn trên đầu gối, quần hoặc váy cạp trễ; không được đi dép lê, dép xỏ ngón, dép bông, dép ở nhà.

Trong thông báo ban hành đầu năm 2024 của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh) cũng nhắc nhở sinh viên thực hiện đúng quy định về trang phục và đeo thẻ sinh viên. Theo đó, nam sinh viên không được mặc quần đùi, quần soóc; nữ sinh viên không mặc áo voan mỏng, áo hai dây, áo trễ cổ, quần/váy ngắn (nếu sử dụng thì quần/váy phải dài quá đầu gối). Sinh viên không được mang dép lê hoặc giày dép không có quai hậu khi đến trường.

Ngoài những cơ sở giáo dục nêu trên, đa số các trường đại học còn lại lồng ghép quy định về trang phục trong quy chế chung đối với sinh viên. Tại quyết định về công tác học sinh sinh viên hệ chính quy ban hành năm 2016, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội quy định 36 hành vi sinh viên của trường không được làm, trong đó có nội dung: sinh viên không được có trang phục, diện mạo không phù hợp với môi trường sư phạm khi vào trường hoặc khi xuống cơ sở thực tế, thực tập (nhuộm tóc màu sắc sặc sỡ, đi dép không có quai hậu, trang phục quá ngắn…, trừ giờ thực hành môn học Giáo dục thể chất- có quy định riêng về trang phục, giày dép).

Cùng việc ban hành quy định, các nhà trường cũng nêu rõ các hình thức kỷ luật nếu sinh viên vi phạm. Với Trường Đại học Y Hà Nội, sinh viên có thể bị trừ 1-3 điểm rèn luyện hoặc chịu các hình thức kỷ luật cao hơn cho mỗi lần vi phạm.

Chia sẻ về quy định mới ban hành, PGS.TS Lê Đình Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho hay, đây là lần đầu tiên trường ban hành văn bản quy định chi tiết về trang phục sinh viên. Quy định nhằm xây dựng phong cách chuẩn mực, ý thức kỷ luật và tác phong chuyên nghiệp cho sinh viên y khoa - những bác sĩ trong tương lai. Trước khi ban hành chính thức, nhà trường đã công bố dự thảo và xin ý kiến góp ý của thầy cô, sinh viên toàn trường.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, quy định về trang phục của trường đã có từ lâu, được nhắc nhở thường xuyên nhằm xây dựng môi trường văn minh, phong cách chuẩn mực, lịch sự trong trường học, đồng thời, đảm bảo kỷ luật và tác phong chuyên nghiệp cho sinh viên.

Cần thiết để xây dựng môi trường học đường văn hóa

Thực tế cho thấy, khi vào các trường đại học, không hiếm bắt gặp hình ảnh sinh viên mặc quần ngủ, dép lê, dép bông hoặc quần/váy ngắn, áo ren mỏng, quần jean rách…. đến trường. Những hình ảnh đó là vô cùng phản cảm, chẳng những làm mất đi hình ảnh của sinh viên mà còn ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá về nhà trường.

“Tôi cho rằng, trước thực trạng một bộ phận nhỏ sinh viên chưa ý thức rõ về việc phải ăn mặc lịch sự, phù hợp khi đến trường thì việc đưa ra quy định là cần thiết. Quy định sẽ có tác dụng điều chỉnh những đối tượng sinh viên có thói quen tùy tiện, cẩu thả, luộm thuộm hoặc thái quá trong thể hiện phong cách thời trang trong môi trường học đường”, cô Nguyễn Thu Hà, giảng viên thỉnh giảng một trường đại học tại Hà Nội nêu quan điểm.

Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội trong đồng phục của trường.

Cho rằng đưa ra quy định về trang phục là điều nên làm, Nguyễn Hải Anh, sinh viên Trường Đại học Tài chính chia sẻ: “Đa phần sinh viên hiện nay đều ăn mặc lịch sự khi đến giảng đường nhưng cũng có số ít bạn chưa làm được điều đó khi vẫn ăn đi dép xỏ ngón, dép lê, đồ ngủ... đi học. Quy định sẽ là lời nhắc nhở sinh viên tăng ý thức về trang phục, diện mạo khi đến trường; giúp hình thành thói quen tốt cho sinh viên để sau này ra trường, tham gia thị trường lao động”.

Tuy vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, lên đại học, điểm khác biệt lớn nhất so với cấp học phổ thông là các em được mặc trang phục thoải mái, tự do thể hiện phong cách, cá tính, sở thích cá nhân. Việc các trường đại học ra quy định về quần áo, giày dép với sinh viên khi đến trường là không cần thiết.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: sự thiếu chỉn chu trong cách ăn mặc không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh của cá nhân, nhà trường, mà còn thể hiện thiếu tôn trọng đối với thầy cô. Do vậy, bên cạnh những quy định cứng của cơ sở giáo dục, điều quan trọng là làm thay đổi nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi đối với sinh viên.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, các nhà trường cần tăng cường truyền thông giáo dục về giá trị thẩm mỹ, xây dựng hình ảnh bản thân, ý thức tôn trọng quy tắc chung trong cộng đồng… để sinh viên tự giác nâng cao ý thức văn hóa, biết lựa chọn những trang phục phù hợp với lứa tuổi và môi trường học đường.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: công bố kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên phổ thông

TP Hồ Chí Minh: công bố kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên phổ thông

08 May, 04:34 PM

Kinhtedothi -  Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh vừa công bố kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của hơn 50.000 giáo viên cấp học phổ thông trên toàn TP. Cuộc khảo sát nhằm phục vụ công tác đánh giá và xây dựng chiến lược đào tạo thời hạn dài, hướng tới mục tiêu đưa ra tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục.

Dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh: đề cao tính nhân văn

Dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh: đề cao tính nhân văn

08 May, 03:47 PM

Kinhtedothi – Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo thông tư Quy định khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh để xin ý kiến rộng rãi của xã hội. Dự thảo có nhiều quy định mới, trong đó việc loại bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với học sinh vi phạm được đánh giá là rất nhân văn, bảo đảm tính giáo dục, vì sự tiến bộ của người học.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ