Quy định về hàng hóa Made in Vietnam: Vướng nhiều bề

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng hàng ngoại "đội lốt" hàng Việt để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa, dự thảo Thông tư Made in Vietnam do Bộ Công Thương đang xây dựng được DN kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ DN và hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa trong dự thảo lại chưa rõ ràng khiến DN khó xác định tiêu chí thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam.
Băn khoăn hàm lượng giá trị gia tăng 30%
Một trong những quy định quan trọng được các DN đặc biệt quan tâm tại dự thảo Thông tư là quy định hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam từ 30% trở lên sẽ được coi là hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, khi nói về quy định này, hầu hết các DN, hiệp hội DN đều có chung băn khoăn: Quy định là vậy nhưng với những loại hàng hóa có giá trị gia tăng dưới 30% thì sẽ ghi nhãn thế nào, thể hiện xuất xứ ra sao?
 Khách hàng mua sản phẩm hàng Việt Nam tại một hội chợ ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Trần Quang Trung thắc mắc: "Với mặt hàng sữa, việc xác định hàm lượng giá trị gia tăng tối thiểu 30% để khẳng định là hàng “made in Vietnam” rất khó, bởi sản lượng sữa do Việt Nam sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu nên DN phải nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài. Mặc dù nguyên liệu phải nhập khẩu nhưng công thức, dây chuyền sản xuất… là do DN Việt Nam thực hiện, vậy có được ghi "made in Vietnam" hay không?
“DN Việt Nam đầu tư trang trại nuôi bò sữa tại Lào, Campuchia, đồng thời hệ thống cán bộ quản lý và công nhân lao động đều là người Việt Nam, vậy sản phẩm sữa tươi đó sẽ được ghi xuất xứ thế nào” - ông Trần Quang Trung nêu ví dụ.
Tương tự, đại diện nhãn hàng thiết bị vệ sinh ToTo băn khoăn việc ghi xuất xứ hàng hóa như thế nào cho một sản phẩm vừa xuất khẩu, vừa lưu thông trên thị trường Việt Nam. Cụ thể, sản phẩm của ToTo xuất khẩu thì đủ cơ sở ghi nhãn mác “made in Vietnam”, nhưng lưu thông trong nước thì lại không đủ cơ sở để ghi sản xuất tại Việt Nam, vậy ToTo sẽ phải thể hiện nhãn hiệu hàng hóa như thế nào?
Không chỉ có vậy, các chuyên gia kinh tế cũng băn khoăn quy định về điều khoản gia công đơn giản trong Thông tư chưa sát với thực tế. Tại hội thảo xin ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam do Bộ Công Thương vừa tổ chức, chuyên viên nhãn hàng hóa, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ KHCN) Bùi Thùy Dương cho rằng, Khoản 5, điều 10 dự thảo Thông tư nêu: Hàng hóa được coi là không có xuất xứ Việt Nam nếu trải qua quá trình gia công đơn giản cuối cùng, như phối trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại.
Tuy nhiên, rất nhiều loại hàng hóa dù chỉ phối trộn với một loại phụ gia cũng có thể khiến thay đổi tính chất, chất lượng hàng hóa và dễ dẫn đến chuyện nhập nhèm khi DN muốn giả mạo xuất xứ hàng hóa.
Dễ nhầm lẫn các khái niệm 
Tại dự thảo Thông tư Made in Vietnam, Bộ Công Thương cũng nói rằng tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ: Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam; hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam; sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất; chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo; chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác... để thể hiện sản phẩm là hàng hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc Bộ Công Thương quy định quá rộng như vậy khiến nhiều DN lo ngại không rõ dùng cụm từ nào để ghi lên sản phẩm của mình, nhất là khi cũng chưa có hướng dẫn thế nào là hàng hóa chế tạo tại Việt Nam, chế tác tại Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến của DN, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện dự thảo đang gộp các khái niệm xuất xứ tại Việt Nam với sản xuất, chế tạo tại Việt Nam nên rất dễ dẫn tới nhầm lẫn về khái niệm hàng Việt Nam với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, những khái niệm đưa ra trong Thông tư mới chỉ quy định với hàng hoá xuất khẩu chứ không bao gồm hàng hoá lưu thông trong lãnh thổ Việt Nam... “Chính vì vậy, Bộ Công Thương cần phải bóc tách rõ ràng các khái niệm này và cần xác định như thế nào là hàng hóa của Việt Nam” - Trưởng phòng Pháp chế VCCI Nguyễn Hữu Nam kiến nghị.
Ý kiến của DN và chuyên gia kinh tế cho thấy, Bộ Công Thương trong quá trình hoàn thiện Thông tư Made in Vietnam cần xây dựng tiêu chí xuất xứ hàng hóa theo hướng có những quy định cụ thể cho từng ngành hàng nhất định, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là ngành nông nghiệp.
Ngoài ra, những quy định trong thông tư, nội dung nào khó hiểu thì cần có những ví dụ cụ thể để DN hiểu chính xác, đối với hàng hóa gia công ở giai đoạn cuối ở Việt Nam, nhưng không đủ điều kiện để ghi xuất xứ Việt Nam thì thông tư cần có quy định cách ghi để xác định xuất xứ, nguồn gốc.

"Các DN kinh doanh vàng bạc phải mua nguyên liệu từ nước ngoài về chế tác thành vàng miếng, đóng logo thương hiệu, liệu có được xem là hàng Việt Nam? Hay việc sản xuất, chế tác vàng nhập khẩu bởi người chế tác Việt Nam thì được quy định ra sao nếu thông tư này được áp dụng vào thực tế?" - Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu Vũ Minh Châu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần