Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định về nghề môi giới bất động sản: Bịt lỗ hổng để tránh rủi ro

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số khoảng 300.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản (BĐS) thì chưa đầy 10% có chứng chỉ, đủ điều kiện hành nghề. Việc tồn tại hàng trăm nghìn người hoạt động môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề dễ dẫn đến những rủi ro trong lĩnh vực này.

Chỉ 10% có chứng chỉ hành nghề
Tại Hội thảo “Vai trò của hoạt động môi giới trong quản lý và phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam” mới ây, TS Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cho biết, hiện nay, trên cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS. Nhưng người được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 10%.
 Môi giới BĐS cần phải được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản. Ảnh: Doãn Thành
Đội ngũ môi giới BĐS tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Song thực tế, những người hoạt động chuyên nghiệp chỉ chiếm số lượng bằng khoảng 50% tổng số người tham gia vào lĩnh vực này, phần còn lại là nghiệp dư hoặc chuyển nghề. “Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã có quy định về việc phạt tiền đối với người môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề và kinh doanh môi giới không thành lập DN. Tuy nhiên, trên thị trường chưa có thời điểm nào mà lượng “cò đất” lại bùng nổ về số lượng và hoạt động như thời gian gần đây” –ông Minh cho hay.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn cho biết, chính sách phát triển nhà ở hiện nay đang khiến cho chủ đầu tư và nhà môi giới BĐS dễ bị mắc phải những sai phạm. Đó là vi phạm về điều kiện và thời điểm được chuyển nhượng đất nền, huy động vốn, bán nhà hình thành trong tương lai. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm là do nhà môi giới BĐS chưa được đào tạo bài bản.
Kinh nghiệm quốc tế
Nhìn nhận về những vấn đề trên, TS Lưu Đức Minh cho rằng, hiện nay quy định hành nghề môi giới BĐS còn nhiều bất cập như không bắt buộc cá nhân phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học mới được dự thi lấy chứng chỉ; chế tài xử lý người hành nghề không có chứng chỉ chưa đủ sức răn đe… Ông Minh dẫn chứng, năm 1984, ở Thụy Điển đã bắt đầu thực hiện việc đăng ký hành nghề của các nhà môi giới BĐS. Để được hành nghề, các cá nhân cần tốt nghiệp từ trung học trở lên, phải nộp khoản tiền khoảng 10.000 USD bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và nhất thiết phải có quyết định hành nghề của cơ quan có thẩm quyền cấp…
Tương tự, ở Ba Lan, từ năm 1994, để đáp ứng cho quá trình tư nhân hóa thị trường, nước này đã đẩy mạnh đào tạo các nhà môi giới, định giá và hành nghề BĐS. Để được cấp chứng chỉ, học viên phải thực hành nửa năm tại các công ty BĐS và hoàn thành ít nhất 15 thương vụ môi giới chính thức. Sau đó, họ phải trải qua một kỳ thi quốc gia (một trong những điều kiện để được tham gia kỳ thi này phải tốt nghiệp đại học trở lên). “So sánh nghề môi giới BĐS ở Việt Nam và các nước trên thế giới có thể thấy sự chênh lệch, hạn chế về trình độ, nghiệp vụ và các chế tài” – ông Minh nhận xét.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp Bồ Đào Nha tại Việt Nam Sergio Pereira da Silva cho rằng, cần phải có sự quản lý chặt chẽ đối với những người hành nghề môi giới BĐS, để bảo đảm cho thị trường phát triển minh bạch. “Ở đất nước tôi, những nhà môi giới BĐS phải qua các khóa đào tạo, sau đó phải trải qua cuộc thi sát hạch để lấy bằng, người hành nghề bắt buộc phải có bằng” – ông Silva cho hay.

"Việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, bài bản cho nhà môi giới BĐS là rất cần thiết. Tính chuyên nghiệp của người hành nghề môi giới sẽ nâng tầm vị thế và vai trò của nghề môi giới BĐS." - Giám đốc Học việnCán bộ quản lý xây dựng và đô thị, TS Trần Hữu Hà