Quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ: “Khung” đã có, phải làm cho hiệu quả

Hải Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêu chí chung chung, chưa được “lượng hóa” cụ thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến công tác đánh giá, lựa chọn cán bộ nhiều nơi còn hình thức.

Thế nên không ít trường hợp, trong đó có cả cán bộ cấp cao sau khi được bổ nhiệm, thậm chí đến lúc về hưu mới lộ rõ sai phạm và bị xử lý. Để ngăn ngừa tình trạng này, việc ban hành một “khung” tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể là hết sức cần thiết và Quy định mới đây được Bộ Chính trị đưa ra thêm lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong sạch, vì nước, vì dân của Đảng.
Cụ thể để đánh giá đúng chất lượng cán bộ
Với việc ban hành Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành (BCH) T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý - đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Võ Kim Cự - những cán bộ cấp cao bị kỷ luật vì vi phạm trong thời gian qua.
Theo Quy định 90, đây phải là những cán bộ tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, giữ nguyên kỷ luật phát ngôn, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, sống trung thực, khiêm tốn, chân thành trong sáng, giản dị, bao dung, cần - kiệm - liêm chính, chí công vô tư... Đặc biệt, Bộ Chính trị quy định cán bộ thuộc diện BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc, là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt, không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm. Tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
Ngoài quy định chung về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Bộ Chính trị cũng quy định các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Quy định của Bộ Chính trị cũng quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với các chức danh Bộ trưởng và tương đương, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc T.Ư, Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, TP.
Những quy định này sẽ là cơ sở, nền tảng cho việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ lãnh đạo trong các khóa tới. Tuy chưa thể đưa ra một cách đầy đủ và chi tiết hết các quy định nhưng một số quy định cứng và rất cần thiết đã được đưa ra một cách cụ thể hơn. Trên tinh thần vừa làm, vừa hoàn thiện, Đảng sẽ tiếp tục bổ sung thêm những quy định cần thiết.
Phát huy giám sát, dân chủ
Những nội dung được Bộ Chính trị xác định trong Quy định số 89-QĐ/TW và Quy định số 90-QĐ/TW không phải đến bây giờ mới được nhắc đến và sử dụng trong xác định tiêu chuẩn chức danh, xác định tiêu chí đánh giá cán bộ. Đây là những vấn đề hết sức cơ bản, có tính quy chuẩn trong công tác cán bộ nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung. Và dù trong văn kiện của các kỳ đại hội, BCH T.Ư đều xác định rất cụ thể, nhưng việc vận dụng và triển khai thực hiện trong thực tế ở từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn có những điểm khác biệt, nên chưa tạo được tính thống nhất. Bởi cũng tùy thuộc vào sự vận dụng của từng cấp ủy trong đánh giá, xem xét cán bộ nên mới có hiện tượng nơi thì đánh giá quá chặt, nơi lại quá lỏng, vô hình trung gây ra sự thiếu công bằng và chưa trở thành động lực để từng cán bộ phấn đấu vươn lên; thậm chí có nơi còn là nguyên nhân dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Do đó, việc xây dựng những tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng lần này sẽ giúp cho công tác đánh giá cán bộ có các căn cứ cụ thể hơn, đảm bảo sự minh bạch, chính xác hơn.
Quy định đã có, vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào cho hiệu quả. Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, những quy định cụ thể này như là một quyết tâm nữa của Bộ Chính trị trong việc xử lý kiên quyết những cá nhân sai phạm, đặc biệt là những cán bộ cấp cao. Đó là minh chứng cho dư luận thấy rằng, việc xử lý cán bộ sai phạm không còn “tắm từ vai trở xuống” và sẽ không có bất cứ vùng cấm nào. Quy định này không chỉ nhằm vào các cán bộ cao cấp, mà thực chất nó còn như một sự nhắn nhủ các cán bộ cấp dưới nhìn gương của cán bộ cấp trên để làm theo. Ông Hà cũng cho rằng, công cuộc chống tham nhũng của Đảng không thể không làm khi “một bộ phận không nhỏ cán bộ” đã gây ảnh hưởng xấu trong Đảng bởi những biểu hiện như suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng, quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu làm tốt sẽ có kết quả tích cực, vững chắc trong xây dựng Đảng. Theo ông, tổ chức chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định vận mệnh của đất nước, quyết định sự sống còn của chế độ và uy tín, hiệu lực của Đảng lãnh đạo Nhân dân trong thời kỳ mới. "Những quy định chung như thế là tốt nhưng phải hết sức phát huy dân chủ trong Đảng, trong Nhân dân, phát huy vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên cấp dưới với cấp trên, phát huy vai trò kiên định chỉ đạo của cấp trên với cấp dưới phải đồng bộ thì việc đánh giá tiêu chí, quy chế mới có chất lượng thực sự” - ông Phạm Thế Duyệt nói.
Hà Nội cũng sẽ có tiêu chí đánh giá cán bộ
Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đang xây dựng đề án tiêu chí đánh giá cán bộ cụ thể từng tiêu chí một. Hiện, đã xong phần dự thảo và bước đầu đã xin ý kiến lãnh đạo TP và ban hành trong thời gian tới. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để việc đánh giá cán bộ được thực chất hơn, giúp lựa chọn những người có đủ năng lực, phẩm chất vào các vị trí chủ chốt.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Phan Chu Đức

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần