Quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ: Sẽ không còn “vàng thau lẫn lộn”

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sẽ không còn “vàng thau lẫn lộn”, giúp loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” ra khỏi bộ máy là nhận định của nhiều chuyên gia uy tín về hai quy định mới đây của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ.

Thêm “bộ lọc” để soi chiếu
Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, chưa bao giờ công tác cán bộ có những vấn đề bức xúc đặt ra như hiện nay. Tình trạng chạy chức, chạy quyền; bổ nhiệm người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo quản lý; nhất là tình trạng tham vọng quyền lực, tham nhũng... đang là những vấn đề "nóng" diễn ra ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương.

Vì thế mà hơn lúc nào hết, Đảng đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí đã có những kết quả ban đầu. Một số đảng viên giữ cương vị lãnh đạo đã phải chịu các hình thức kỷ luật nghiêm khắc dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu. Chính vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành hai quy định là hết sức cần thiết, thêm lần nữa khẳng định quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác cán bộ của Đảng.

Nguyên Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (ảnh trái) và nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh (ảnh phải).

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, việc xây dựng những tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng lần này sẽ giúp cho công tác đánh giá cán bộ có căn cứ cụ thể hơn, đảm bảo sự minh bạch, chính xác. “Việc soi chiếu theo các tiêu chí gắn với việc thường xuyên, định kỳ đánh giá cán bộ sẽ giúp phát hiện những cán bộ làm tốt, xứng đáng để tiếp tục bồi dưỡng, được xếp sắp ở những vị trí cao hơn, không còn tình trạng chọn “nhầm” cán bộ. Người nào còn hạn chế, thậm chí mắc khuyết điểm, suy thoái, tham nhũng, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực… thì cần phải loại bỏ ra khỏi đội ngũ” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhận định.

GS.TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư cũng cho rằng, trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, quan trọng nhất là chỉnh đốn về công tác cán bộ, làm sao để sàng lọc được đội ngũ cán bộ, kiên quyết loại khỏi bộ máy những kẻ cơ hội thoái hóa, biến chất, làm mất lòng tin của Đảng và Nhân dân. Vì thế, những quy định lần này sẽ góp phần giúp Đảng ta khắc phục những hạn chế, yếu kém, những nguy cơ nêu trên.

Để người dân đánh giá

Hai quy định là cả một hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đáng nói là trong các quy định này, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh các tiêu chuẩn, tiêu chí về phẩm chất đạo đức. Tất cả đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thuộc T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tiêu chuẩn đầu tiên phải là những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Đây là những quy định hết sức đúng đắn, vì chỉ khi cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất đạo đức mới giữ được sự trong sạch của bộ máy, mới làm gương cho xã hội.

Đối với Đảng bộ Hà Nội, Quy định số 89 và Quy định số 90 là căn cứ quan trọng để Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Ban Tổ chức Thành ủy hiện đang gấp rút tham mưu xây dựng tiêu chuẩn đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Căn cứ khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp trong Quy định số 89, Ban sẽ tham mưu, xây dựng rõ các tiêu chí cho từng chức danh. Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các sở… sẽ được xem xét trên các góc độ như: Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; năng lực quản lý, điều hành; đoàn kết nội bộ… với từng thang điểm cụ thể, cán bộ đạt 90 - 100 điểm sẽ được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dưới 50 điểm là không hoàn thành nhiệm vụ.

Ban Tổ chức Thành ủy cũng sẽ tham mưu quy định rõ quy trình lấy ý kiến đánh giá cán bộ theo hướng công khai, dân chủ, tranh thủ nhiều ý kiến, đa dạng thành phần. Để bảo đảm việc đánh giá thực chất, tới đây, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ tham mưu để Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện phân cấp đánh giá cán bộ. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đánh giá Giám đốc các sở, Bí thư cấp ủy trực thuộc và Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý còn lại sẽ được phân cấp cho các địa phương, cơ quan, đơn vị đánh giá. Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá cán bộ do mình quản lý. Cấp nào quản lý cán bộ thì cấp đó đánh giá cán bộ theo hướng dẫn chung, theo tiêu chuẩn, tiêu chí Bộ Chính trị vừa ban hành.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, chậm nhất đến tháng 10/2017, TP sẽ hoàn thành các tiêu chuẩn, tiêu chí cũng như biểu, bảng đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, đưa vào phục vụ công tác đánh giá cán bộ ngay trong năm nay.
Đây không chỉ là thước đo để Đảng đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ mà còn là mục tiêu để mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu; là căn cứ để đồng chí, đồng đội đánh giá lẫn nhau; là cơ sở để Nhân dân đối chiếu giúp Đảng xây dựng đội ngũ cán bộ. Ý nghĩa của các quy định mới này rất lớn. Nếu tuyên truyền hiệu quả, thực hiện bài bản, khoa học, Đảng có thể huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sức mạnh Nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ cho mình, trong đó có đội ngũ cán bộ kế cận, nhất là cán bộ cấp chiến lược.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ 

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Có lựa chọn được đội ngũ cán bộ xứng đáng, có tâm, có tầm, có trí hay không, phải dựa vào dư luận xã hội, nhất là đánh giá của người dân. Việc lựa chọn cán bộ xét đến cùng là bằng thước đo hiệu quả, có phục vụ Nhân dân tốt hay không, có được Nhân dân tín nhiệm hay không. Đánh giá của Nhân dân là đánh giá trung thực và khách quan nhất. Đảng phải căn cứ vào đó để lựa chọn, bồi dưỡng, đồng thời kiểm tra, sàng lọc đội ngũ cán bộ.
GS.TS Hoàng Chí Bảo 

Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần