Quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 36/2015/TT-NHNN quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng (TCTD).

Thông tư 36 được xây dựng gồm 5 Chương và 25 Điều, trong đó: Chương I là các quy định chung, Chương II quy định sáp nhập, hợp nhất TCTD, Chương III quy định việc chuyển đổi hình thức pháp lý TCTD, Chương IV quy định trách nhiệm của các đơn vị có liên quan và Chương V bao gồm các điều khoản thi hành.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư 36 quy định việc tổ chức lại TCTD dưới các hình thức sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức pháp lý của TCTD.

Việc TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty cổ phần.

Việc ngân hàng thương mại (NHTM) góp vốn, mua cổ phần của TCTD dẫn đến chuyển đổi hình thức pháp lý của TCTD thực hiện theo quy định của NHNN về điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục góp vốn, mua cổ phần của TCTD.

Việc NHNN góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt dẫn đến chuyển đổi hình thức pháp lý của TCTD thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Việc tổ chức lại TCTD theo chủ trương của Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các TCTD thực hiện theo Đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này. Việc tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô thực hiện theo quy định riêng của NHNN.

Thông tư 36 quy định các trường hợp tổ chức lại TCTD bao gồm:

Các trường hợp sáp nhập TCTD (NHTM, công ty tài chính sáp nhập vào một NHTM; Công ty tài chính sáp nhập vào một công ty tài chính.

Các trường hợp hợp nhất TCTD (NHTM hợp nhất NHTM thành một NHTM; NHTM hợp nhất công ty tài chính thành một NHTM; công ty tài chính hợp nhất công ty tài chính thành một công ty tài chính).

Các hình thức chuyển đổi hình thức pháp lý TCTD (NHTM, công ty tài chính chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần và ngược lại; NHTM, công ty tài chính chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và ngược lại).

Phạm vi hoạt động của TCTD sau tổ chức lại phải phù hợp với phạm vi hoạt động của từng loại hình TCTD theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, phạm vi hoạt động của TCTD sau sáp nhập là các hoạt động của TCTD sau sáp nhập. TCTD sau sáp nhập được bổ sung hoạt động của TTD bị sáp nhập nếu đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; Phạm vi hoạt động của TCTD hợp nhấp là các hoạt động của các TCTD bị hợp nhất nếu TCTD hợp nhất đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; Phạm vi hoạt động của TCTD chuyển đổi hình thức pháp lý là các hoạt động của TCTD được chuyển đổi hình thức pháp lý.

Thông tư 36 cũng nêu rõ các quy định về việc công bố thông tin tổ chức lại tổ chức tín dụng, cụ thể: Sau khi NHNN chấp nhận sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức pháp lý, các TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất, TCTD được chuyển đổi hình thức pháp lý phải công bố trên phương tiện thông tin của NHNN, trên một tờ báo viết hằng ngày trên toàn quốc trong 3 số liên tiếp hoặc báo điện tử Việt Nam trong thời hạn 7 ngày làm việc và phải niêm yết tại trụ sở chính, các chi nhánh, phòng giao dịch và các đơn vị trực thuộc.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2016.