Quy hoạch cần có sự tham gia của cộng đồng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở nhiều nước trên thế giới quá trình lập quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có sự tham gia của cộng đồng đang dành được sự chú ý đáng kể của các cơ quan chính quyền và giới chuyên môn, đặc biệt là các nước đang phát trển. Nó đã chỉ ra những thế mạnh và hiệu quả thực tế của việc phát triển đô thị.

Tuy nhiên ở nước ta, cho đến nay sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị còn khá mới mẻ nên rất đáng được chú ý triển khai nghiên cứu và thực hiện trong những điều kiện cụ thể riêng.

Tăng hiệu quả trong quy hoạch

Theo ThS. KTS Lương Tiến Dũng – Hội KTS Việt Nam, việc công đồng tham gia góp ý vào công tác quy hoạch không chỉ giúp chính quyền huy động được các nguồn lực, qua đó để tăng tiện ích cho các cộng đồng cư dân, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế và hiệu quả chính trị cho nhà nước.

Trong quá trình thực hiện quy hoạch, sự tham gia của cộng đồng làm tăng sức mạnh người dân bởi vì khi làm việc cùng nhau sẽ tăng tính tự tin và khả năng để giải quyết các vấn đề khó khăn trong cộng đồng. Sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch là chức năng cao nhất, thể hiện cam kết của người dân và tăng tính hiệu quả của dự án.

Thực tiễn của phương pháp quy hoạch đô thị có sự tham gia của cộng đồng đã phát triển từ những năm 60, đầu tiên tại các nước thuộc Anh. Sau đó nó được truyền bá khá nhanh chóng tại các quốc gia phát triển và có mối liên hệ chặt chẽ với phong trào bảo vệ sinh thái, bởi vì phong trào ấy có nhiều ý tưởng chung với phương pháp này.
 Việc lấy ý kiến từ cộng đồng cho công tác quy hoạch giúp cho quá trình thực hiện dự án được thuận lợi hơn
“Sự ra đời của phương pháp quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng là bản quy hoạch tốt nhất phải thể hiện được sự mong muốn của người dân - Một bản quy hoạch đáp ứng những yêu cầu mà người dân cho là cần thiết, những phê phán, góp ý của cộng đồng trong quá trình lập quy hoạch tạo ra tính khả thi và nét độc đáo cho các dự án” ThS. KTS Lương Tiến Dũng chia sẻ.

Đảm bảo tính bền vững cho quy hoạch

Cũng theo ThS. KTS Lương Tiến Dũng, Quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng ra đời sẽ chấm dứt sự phê phán đối với khái niệm về nhu cầu đã được áp đặt với những chi tiết hoá của đồ án cấp trên. Cộng đồng là những người trực tiếp góp ý, tham gia những ý kiến về vviệc sử dụng không gian có thể đem lại cho mỗi người dân địa phương trong nhận thức về nhu cầu thực tế đời sống riêng, phù hợp với điều kiện thực tế.

Nếu phương pháp quy hoạch chiến lược tạo ra các cơ chế biến đổi đô thị chỉ có thể nhận ra và hiểu được sau những thời gian dài, thì quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng nhấn mạnh có một sự việc sẽ thay đổi căn bản ngay trong cuộc sống thường ngày của người dân.

ThS. KTS Lương Tiến Dũng cho biết thêm, trở ngại lớn nhất trong quá trình tiến hành quy hoạch là chủ nghĩa bè phái hay cạnh tranh quyền lợi trong các cộng đồng, làm ảnh hưởng tới mục đích cần đạt tới là “quyền lợi chung” của dự án. Vì vậy, khi có sự tham gia của cộng đồng cần phải hết sức tránh những căng thẳng có thể xảy ra.

Sự tham gia của cộng đồng đã đưa ra những thay đổi sâu sắc về phương pháp trong quy hoạch. Thực tế đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới với nhiều phương pháp khác nhau đã thu được những kết quả đáng kể. Việc nghiên cứu và áp dụng thực tiễn để tạo ra những giá trị đích thực cho người dân là điều cần được hướng tới.

“Ý thức của người dân là một trong những yếu tố rất quan trọng để đi tới sự thành công của một đồ án quy hoạch; đồng thời sự tham gia của cộng đồng sẽ đảm bảo tính bền vững trong quá trình thực hiện quy hoạch” ThS. KTS Lương Tiến Dũng nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần