Quy hoạch thiếu đồng bộ nên giao thông ùn tắc

Trần Tâm (HTX Nông nghiệp Đại Yên, xã Đại Yên, Chương Mỹ)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực trạng ùn tắc, xuống cấp và mất an toàn giao thông tại Hà Nội đang là nỗi niềm trăn trở của nhiều cơ quan chức năng, vì thế, TP cần đầu tư nhiều hơn cho vấn đề này.

Theo giới chuyên môn, khi so sánh hạ tầng đường sá của Hà Nội với Singapore, Hongkong (Trung Quốc) thì về cơ bản Hà Nội không thiếu kilomet đường phố thường, nhưng thiếu hẳn hệ thống cao tốc xuyên TP, khiến các lái xe ô tô phải chạy ngoằn ngoèo trên các phố nhỏ đầy giao lộ.
1.000 xe buýt là quá ít
Thực tế, giao thông Hà Nội phải quan tâm đến sự phát triển đồng bộ của 5 trụ cột chính, bao gồm: Hạ tầng; giao thông công cộng; quản lý Nhà nước; vấn đề giảm bớt mật độ xây dựng trong đô thị; giáo dục văn hóa giao thông. Thế nhưng trong thực tiễn, các “trụ cột” này lại chưa được xem trọng đúng mức.

Xe buýt hoạt động trên đường Tây Sơn, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường đã và đang đòi hỏi TP Hà Nội không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Liên tục nhiều giai đoạn, Hà Nội huy động sức mạnh nội lực cùng với sự kêu gọi đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như hiện nay chưa tương xứng với sự phát triển nhanh của dân số, điều đó đã làm hạn chế sự phát triển của Thủ đô do tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.
Tình trạng dân số ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu đi lại của người dân không ngừng gia tăng, trong khi đó hạ tầng cơ sở giao thông còn nhiều yếu kém, bất cập. Nhiều nơi mật độ đi lại tăng từ 200 - 300% so với hạ tầng kỹ thuật. Hãy so sánh hạ tầng giao thông của chúng ta với Mátxcơva (Nga) cũng có trên 10 triệu người nhưng họ đầu tư mở rộng đường với 300 km tàu điện ngầm và hàng trăm km ô tô buýt. Đường sắt đô thị của họ cũng đã rất phát triển từ cách đây từ 30  - 50 năm. Trong khi đó chúng ta chỉ có khiêm tốn khoảng 1.000 xe buýt. Như vậy cho thấy, năng lực vận tải hành khách công cộng tại Mátxcơva gấp 5 – 7 lần Thủ đô Hà Nội.
Về lâu dài, phải đầu tư mở rộng xây dựng hạ tầng giao thông tốt hơn nữa. Nếu TP có hệ thống giao thông công cộng, hệ thống hạ tầng lạc hậu thì quản lý khó khăn, vì các công trình kiến trúc và dòng xe đan chéo nhau. Đáng chú ý, dù Hà Nội đã nỗ lực trong việc di dời trường học, nhà máy ra ngoài nội đô nhưng nhiều công trình cao ốc lại mọc lên. Việc phát triển nhà cao tầng tại nội đô ở Hà Nội chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ đã gây áp lực lớn lên giao thông. Tác động từ các tòa cao ốc đối với giao thông là rất lớn, song chưa được nhìn nhận đúng mức. Công tác quản lý phải dựa trên nền tảng hạ tầng hiện có để tổ chức, quản lý thì mới tốt được. Tuy nhiên, nền tảng hạ tầng giao thông mà đường quá hẹp, cầu quá chật, phương tiện giao thông công cộng quá ít cũng ảnh hưởng lớn tới vấn đề quản lý, vì nhu cầu đi lại của người dân vốn ngày một cao hơn.
Phải hoàn thành quy hoạch không gian ngầm
TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế giao thông cho rằng: “Hà Nội muốn đảm bảo được từ 30 - 40% người dân đi xe công cộng thì ít nhất phải có 15.000 - 20.000 xe buýt. Thế nhưng, nếu xe buýt nhiều như vậy thì làm sao có đường để đi. Do vậy, chúng ta phải đi trên đi dưới, phải đi tàu điện ngầm, phải đi trên cao để tận dụng không gian đô thị. Còn hiện giờ TP mới chỉ có 1.000 xe buýt mỗi năm chỉ đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu đi lại, vậy còn 90% còn lại người ta bắt buộc phải đi ô tô, xe máy do đó tình trạng ùn tắc ngày càng cao và gây nên nhiều áp lực”.
Vấn đề về hạ tầng giao thông thật sự đáng báo động. Từng người dân thấy khó khăn khi ra đường, trong đó vấn đề an toàn giao thông đòi hỏi các cấp, ngành phải có giải pháp đặc biệt hơn, do đó, Hà Nội cần phải hoàn thành được quy hoạch không gian ngầm trong thời gian sớm nhất. Về vấn đề quản lý giao thông hiện nay cũng còn nhiều bất cập, không tuân thủ quy định khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân cũng đang là hồi chuông báo động đối với sự xuống cấp trầm trọng của văn hóa giao thông.
Việc triển khai xây dựng đường sắt đô thị quá chậm gây cản trở không nhỏ đến việc đi lại của người dân khi đi qua những nơi thi công các công trình. Trong khi đó, mật độ dân số tăng từ 5 - 7 lần, phương tiện giao thông tăng lên 10 lần nhưng đường sá thay đổi không đáng là bao. Bởi vậy ùn tắc là lẽ đương nhiên. Lời giải về hạ tầng cơ sở giao thông, về quản lý giao thông nhằm tổ chức giao thông ngày càng được thuận lợi đang chờ vào chính các nhà khoa học và sự chung tay, tư duy đổi mới của các cấp lãnh đạo và quản lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần