Quy hoạch và kiến tạo không gian quảng trường: Thêm sức sống cho đô thị

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến mật độ xây dựng tại Hà Nội tăng cao. Tuy vậy, những không gian an toàn, hấp dẫn cho những hoạt động xã hội, vui chơi, thư giãn lại chưa phát triển song hành. Từ thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch và kiến tạo những quảng trường sinh động, hấp dẫn, những khoảng hở quý giá tạo nên sức sống đô thị đang là yêu cầu cấp thiết.

Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Quảng trường vừa thiếu, vừa yếu
Trong bất kỳ đô thị nào, tiêu chí đầu tiên cấu trúc nên không gian đô thị là không gian công cộng. Quảng trường là một không gian mở, nơi tập hợp đông người, tổ chức sự kiện lớn; nơi để thị dân dạo chơi, thư giãn. Mọi người đến đây đều được thể hiện cái tôi của mình một cách cao nhất, miễn là không vi phạm pháp luật. Và đặc biệt về thiết kế, không gian quảng trường luôn gắn với các công trình điểm nhấn.
Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ, những công trình thế kỷ đã và đang được tạo dựng như cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, đại lộ Thăng Long… Và hơn hết Hà Nội cần phải có những quảng trường mang tầm thời đại, nhất là đến năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, ngày ra đời của Thủ đô mới, Hà Nội sẽ trả lời lịch sử có quảng trường nào để phục vụ người dân Thủ đô.
Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng
Hà Nội hiện có một số quảng trường được hình thành từ thời Pháp thuộc, như quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quảng trường Nhà hát Lớn, quảng trường 1/5 ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô. Những quảng trường này đều có diện tích nhỏ và hiện đã quá tải, thậm chí chỉ còn chức năng như một đảo giao thông chứ không còn ý nghĩa quảng trường. Chỉ duy nhất quảng trường Ba Đình gắn với yếu tố chính trị, tổ chức những sự kiện lớn của đất nước.
Hà Nội thời kỳ xây dựng mở rộng chưa xây dựng được một không gian quảng trường nào đủ tầm. Khu vực Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nơi có diện tích phạm vi tương đối lớn tuy nhiên đây chưa được gọi là quảng trường vì khu vực này chưa gắn nhiều với các hoạt động cộng đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc thiết kế quy hoạch quảng trường trong không gian đô thị ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy, diện tích quảng trường trên diện tích đất đô thị ở Việt Nam chỉ chiếm 0,004%; chỉ tiêu diện tích quảng trường trên đầu người rất thấp, chỉ là 0,022m2.
Cần có quy hoạch 
Mới đây, trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Ban Thường vụ Quận ủy Nam Từ Liêm đã kiến nghị TP Hà Nội cho phép nghiên cứu triển khai xây dựng Quảng trường Văn hóa - Thể thao thanh niên tại ô đất 5B2, đối diện Sân vận động Mỹ Đình. Với kiến nghị này, quận Nam Từ Liêm mong muốn tận dụng lợi thế những công trình thể thao, các không gian lớn, kết nối giao thông ngoại ô để thu hút nhiều khách quốc tế, tạo ra chuỗi thương mại, dịch vụ.
Bàn về đề xuất này, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, việc một quận có ý tưởng triển khai xây dựng quảng trường là cần ủng hộ. Tuy nhiên, khi thực hiện phải xác định thật cụ thể mục đích xây quảng trường đó để làm gì? Phục vụ được bao nhiêu dân? Xác định được rõ những điều này sẽ tránh việc tạo không gian trống rộng lớn rồi mỗi năm chỉ tổ chức vài ba sự kiện gây lãng phí. Đặc biệt, nếu xác định đây là quảng trường thanh, thiếu niên thì phải gắn với nó những công trình mang ý nghĩa giáo dục như cung văn hóa thanh, thiếu niên…
Đồng quan điểm trên, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, việc phát triển không gian công cộng cho thanh, thiếu niên và người dân trong khu vực là rất cần thiết. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống cho cư dân tại chỗ, cũng như cư dân của TP vốn đang thiếu hụt không gian công cộng. Chính vì vậy, việc mở rộng và phát triển không gian công cộng, sở hữu công để phục vụ sinh hoạt cộng đồng miễn phí rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình quảng trường như quận Nam Từ Liêm nói cần hết sức minh bạch và rõ ràng. Công khai rõ quy hoạch khu vực phụ cận và kinh phí đầu tư, bảo đảm dự án vì cộng đồng.
Hà Nội hiện nay đã mở rộng hơn rất nhiều, không chỉ còn là 36 phố, phường với khu phố cổ, phố cũ, mà TP đã mở rộng về phía Tây, phía Nam, thậm chí còn vượt sang bên kia sông Hồng. Đã đến lúc cần phải lập bản đồ quy hoạch quảng trường Hà Nội. Cần phải xác định quảng trường là một yếu tố rất quan trọng trong một đô thị hiện đại. Hà Nội phải tính toán cần có bao nhiêu quảng trường và phân bố tại mỗi khu vực ra sao. Đặc biệt, quảng trường được xây dựng phải gắn với công trình điểm nhấn, có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần