Quý I tăng trưởng 6,79%: Khẳng định vai trò kinh tế tư nhân

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế thế giới diễn biến khó lường, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng chậm lại, thời tiết hạn hán, dịch bệnh thách thức… sẽ là những rào cản tác động tới tăng trưởng GDP trong thời gian tới.

Thương mại thặng dư 536 triệu USD 
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê (TCTK) sáng 29/3, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011 - 2017 nhưng thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 (7,38%).
Tổng Cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm phân tích, nguyên nhân khiến GDP có dấu hiệu chững lại là do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa quý I/2019 tuy vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng tăng thấp, chỉ đạt 4,7%.
 Sản xuất kính hộp tại Công ty Cổ phần Công nghiệp châu Á (CAG) tại khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2019 ước tính thặng dư 536 triệu USD nhưng thấp hơn nhiều so với mức 2,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.
Công nghiệp trong nhiều năm qua là điểm sáng đóng góp tích cực cho tăng trưởng. Song quý I năm nay tốc độ tăng trưởng 8,95% thấp hơn 3,5% so với quý I/2018. Nguyên nhân chủ yếu là do 2 ngành công nghiệp chế biến chế tạo và khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn trong công nghiệp và tác động lớn tới GDP.
Chế biến chế tạo đạt 12,35%, thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2018; công nghiệp ngành khai khoáng quý I năm nay tăng trưởng âm (giảm 2,2% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 0,2%), làm giảm 0,15 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 10,3% và khí đốt tự nhiên giảm 2,4%.
Sự suy giảm thương mại toàn cầu dẫn đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực dù đang có xu hướng chững lại so với cùng kỳ.

"CPI bình quân quý 1/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm trở lại đây... " - Nguồn TCTK


"Cần thúc đẩy, phát huy hiệu quả các các hiệp định thương mại (FTAs); tái cơ cấu kinh tế và chi tiêu ngân sách hiệu quả, giảm chi thường xuyên." - TS Trần Đình Thiên

“Trong 9 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD (thường chiếm đến 70% tổng giá trị xuất khẩu), chỉ có mặt hàng giày dép và đồ gỗ là có tốc độ tăng trưởng trên 10%, 7 mặt hàng còn lại tốc độ tăng rất thấp từ 1,2 - 2%” - đại diện TCTK cho hay. Đặc biệt có mặt hàng xuất khẩu cao là điện thoại di động chiếm trên 20% tổng giá trị xuất khẩu thì quý I năm nay xuất khẩu ngành này giảm 4,6%, trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu trên 62%.
Hội nhập sâu, thách thức lớn
Nhận định về xu hướng công nghiệp trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp Phạm Đình Thuý cho rằng: Ngành khai khoáng giảm là xu hướng được báo trước, vì nguồn tài nguyên của Việt Nam ngày càng cạn kiệt, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn. Do đó, thời gian tới, tốc độ tăng trưởng chung của GDP sẽ buộc phải phụ thuộc vào các ngành kinh tế khác.
Với công nghiệp chế biến chế tạo, trong quý I/2019 chỉ tăng 2,9% trong khi cùng kỳ năm trước tăng trên 34% (là do năm 2018 với đóng góp chính là Samsung). Lao động của ngành này cũng giảm 5,7% để thấy rằng xu hướng tăng trưởng, quy mô của ngành chế biến chế tạo đang chững lại. Theo ông Thuý, để GDP tăng trong thời gian tới thì ngành này cần có những đột biến mới.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, kinh tế thế giới và thương mại quốc tế được dự báo chậm lại và rủi ro khó lường do chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia. Trong bối cảnh đó, kinh tế nước ta những tháng tiếp theo dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi độ mở kinh tế của Việt Nam tính đến quý I/2019 đã lên tới 250%, cao hơn tất cả những năm trước.
Thời tiết hạn hán, dịch bệnh cũng là thách thức lớn với tăng trưởng của một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Xăng dầu thế giới biến động. Thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế có xu hướng điều chỉnh lãi suất khó lường tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường… cũng gây thách thức cho việc điều hành của Chính phủ thời gian tới.
Tuy vậy, vẫn có điểm sáng là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, DN thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Với tốc độ đầu tư và hiệu quả sản xuất cao, ông Lâm kỳ vọng khối tư nhân trong nước sẽ tăng tỷ trọng và ảnh hưởng, cân bằng lại vị thế với khối FDI trong cơ cấu kinh tế chung. Bởi lẽ, chính các DN mới là khu vực tạo ra sự thịnh vượng cho nền kinh tế.

"Chính phủ cần kiên định Nhà nước kiến tạo, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy đầu tư tư nhân, đồng thời cần tìm kiếm thị trường cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu cùng với coi trọng thúc đẩy thị trường trong nước với khẩu hiệu hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam.

Ngoài ra, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công vì đầu tư công sẽ có sức lan tỏa lớn, nếu tăng 1% đầu tư công sẽ làm tăng 1,37% đầu tư tư nhân. " - Tổng Cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm