Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội: Cần thiết để nắn chỉnh những lệch chuẩn văn hóa

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 2/2, Sở VH&TT Hà Nội đã công bố dự thảo "Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng trên địa bàn TP” trên cổng thông tin: sovhtt.hanoi.gov.vn.

Và bản dự thảo lại gây tranh luận xung quanh điều khoản khen thưởng, kỷ luật và khái niệm hở hang, phản cảm. Nhưng trái ngược với lần trước, Bộ QTƯX đang nhận được nhiều sự đồng tình của các nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội và đông đảo người dân vì nhiều nét văn hóa ứng xử đang cần nắn chỉnh.
Cần những “nắn chỉnh”
Bản dự thảo QTƯX có 4 Chương, 14 Điều, quy định những việc nên làm và không nên làm kể cả nơi công cộng chung và nơi công cộng trong từng địa điểm cụ thể như vỉa hè, lòng đường, vườn hoa, quảng trường, tượng đài, trung tâm thương mại, bến xe… Khi đọc dự thảo bản QTƯX, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng khá đồng tình với việc nói không với những hành động phản cảm được thống kê. “Tôi từng bắt gặp những hình ảnh không mấy thiện cảm trong những năm tháng sống cùng Hà Nội. Khi văn hóa ứng xử của người Hà Nội đang đi xuống trầm trọng, việc “nắn chỉnh” là chủ trương quyết liệt cần thiết” – nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng nhấn mạnh.
 Một số người đưa cả trẻ con vào các bụi hoa để chụp ảnh.        Ảnh: Hoàng Nam
PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm điều tra xã hội học đồng tình và cho rằng: “Bộ QTƯX của Hà Nội giống như hương ước ứng xử của làng xã Việt Nam. Ông cha ta đã xây dựng và thực hiện thành công các hương ước làng để đảm bảo trật tự, lối sống trong làng, thì không có cớ gì một TP lớn đang đứng trước rất nhiều nguy cơ như công chức đánh người, bún mắng, cháo chửi mà lại không xây dựng ra một bộ QTƯX”. Không phản đối việc cho ra đời cũng như các bước xây dựng bộ QTƯX nhưng dư luận và các nhà nghiên cứu còn tranh cãi ở quy định: “Không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm” hoặc “các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại QTƯX này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định”.
Các chuyên gia cho rằng rất khó để xác định thế nào là hở hang, vì trang phục này hở hang nếu đi ở ngoài đường nhưng sẽ  không coi là hở hang nếu ở quán bar hoặc ở rất nhiều trường hợp khác. Ngoài ra, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng đơn vị xây dựng bản QTƯX cần cẩn thận để không sử dụng hình thức kỷ luật, xử phạt hành vi ứng xử thành hành động miệt thị con người nơi công cộng, như thế sẽ vi phạm quyền nhân thân. Tuy nhiên, ông Ngô Văn Nam – Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa & Gia đình, Sở VH&TT - đơn vị trực tiếp xây dựng dự thảo QTƯX cho rằng: Bản QTƯX chỉ mang tính định hướng, khuyến cáo ứng xử chứ không thiên về việc xử phạt. Hơn nữa, trong dự thảo bản QTƯX cũng không nói là sẽ bêu tên người vi phạm như các phương tiện truyền thông đã đưa mà là nhắc nhở. “Hình thức nhắc nhở các hành vi vi phạm ứng xử đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, chứ không phải đến khi bộ QTƯX này ra đời mới có. Những hành động ăn mặc váy ngắn đi lễ chùa, đi xe lên vỉa hè… đã được ghi hình, chụp ảnh và đăng tải; nên quy định nhắc nhở vi phạm của QTƯX cũng chỉ dừng lại như thế” – ông Nam chia sẻ.
Sau 15 ngày xin ý kiến sẽ trình ban hành
Đến chiều 7/2, hệ thống quản trị mạng của Cổng thông tin điện tử Sở VH&TT Hà Nội mới nhận được 21 like và không có ý kiến phản hồi. Tuy nhiên, theo ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội: Khác hẳn với các lần trước, gửi dự thảo đến từng tổ dân phố, đơn vị mặt trận Tổ quốc địa phương nhưng cũng không nhận được phản hồi. Dự thảo QTƯX lần này nhận được nhiều đóng góp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dự kiến, sau 15 ngày đăng tải, Sở VH&TT Hà Nội sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, sau đó trình TP xem xét và ban hành. “Chúng tôi tiếp thu tối đa những ý kiến của người dân, kể cả ý kiến trái chiều” – ông Động nhấn mạnh.
Các chuyên gia ghi nhận thái độ cầu thị từ ý tưởng đến quá trình thực hiện dự thảo Bộ QTƯX nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. “Dù đang trong quá trình hoàn thiện, việc góp ý cho dự thảo cũng khiến người Hà Nội thấy trách nhiệm của mình trong việc chung tay xây dựng quy ước ứng xử chung cho Thủ đô” – nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng bày tỏ.
Hy vọng, Bộ QTƯX sẽ sớm được ban hành, cùng với Bộ QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn TP sẽ góp ích cho việc định hướng ứng xử văn minh thanh lịch của Hà Nội.
Hình thức nhắc nhở các hành vi vi phạm ứng xử đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, chứ không phải đến khi bộ QTƯX này ra đời mới có. Những hành động ăn mặc váy ngắn đi lễ chùa, đi xe lên vỉa hè… đã được ghi hình, chụp ảnh và đăng tải; nên quy định nhắc nhở vi phạm của QTƯX cũng chỉ dừng lại như thế.
Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa & Gia đình, Sở VH&TT Ngô Văn Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần