Quyền lợi của lao động không được đảm bảo, ai chịu trách nhiệm?

Đoàn Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội cùng các ban, ngành của TP đã có cuộc họp với 10 đơn vị có số nợ bảo hiểm lớn nhất trên địa bàn.

 Dù chia sẻ với những khó khăn của DN, nhưng các ngành chức năng của TP đề nghị các đơn vị đảm bảo quyền lợi cho người lao động (NLĐ).
Hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ hành chính tại BHXH TP Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh
Ông Nguyễn Dương - Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ, BHXH Hà Nội cho biết, tổng số nợ của 10 DN lên đến 22,4 tỷ đồng. Điển hình là Công ty CP Xây dựng số 12 Thăng Long, tháng 10 năm 2016, Đoàn Thanh tra liên ngành TP đã thanh tra DN, thời điểm này DN nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của NLĐ hơn 5 tỷ đồng. Đến nay, công ty không những giảm nợ mà còn tăng lên 6 tỷ đồng, tương đương với 112 tháng của 123 lao động. Công ty CP Sông Đà 207, Công ty CP Vận tải Biển & TM Phương Đông, mỗi công ty nợ gần 5 tỷ đồng.

Về lý do nợ được các công ty nêu ra là do khó khăn về kinh tế, làm ăn thua lỗ nên chưa có tiền đóng bảo hiểm cho người NLĐ. Đại diện Công ty CP Sông Đà 207 cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty không có việc làm nên đành động viên NLĐ nghỉ phép. Đại diện Công ty CP Vận tải Biển & TM Phương Đông nêu lý do từ năm 2010 đến nay, công ty liên tục lỗ, năm 2015 lỗ 300 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 100 tỷ đồng nên không có khả năng chi trả bảo hiểm cho NLĐ. Riêng đại diện Công ty TNHH TM&DL Greencanal Việt Nam ngoài nêu lý do khó khăn, còn một lý do khác khiến công ty chây ì nợ, đó là do “không thấy NLĐ kêu ca, phàn nàn gì”.

Trước vấn đề nợ đọng BHXH của các công ty, ông Tạ Văn Dưỡng – Trưởng phòng Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội chia sẻ với những khó khăn các công ty đang gặp phải. Tuy nhiên, theo ông Dưỡng, phải nhìn nhận góc độ của NLĐ. “NLĐ sẽ thế nào khi quyền lợi không được đảm bảo, ốm đau không được giải quyết, chết không được hưởng chế độ. NLĐ đứng đường, ai chịu trách nhiệm?” - ông Dưỡng nói. Ông Dưỡng cũng cho biết, nếu các công ty cố tình chây ì nợ bảo hiểm, sẽ phối hợp với Công an TP xử lý. “Quyền lợi của NLĐ phải được đặt lên hàng đầu” – ông Dưỡng khẳng định.

Theo đại diện Thanh tra Sở LĐTB&XH Hà Nội, trước đây, xử phạt hành chính và khởi kiện ra tòa các công ty nợ đọng BHXH đều không hiệu quả. Nay Điều 216, Bộ Luật Hình sự quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN với các tội danh rất cụ thể, có thể phạt đến 3 tỷ đồng, ngồi tù đến 7 năm.

Các cơ quan chức năng đều mong muốn, các DN sẽ khắc phục khó khăn, sớm đóng bảo hiểm cho NLĐ, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trong năm 2017, BHXH Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện kiểm tra 2.478 đơn vị, thu nợ được 557,6 tỷ đồng nợ BHXH. Trong quý I/2018, BHXH Hà Nội đã gửi văn bản đôn đốc thu nợ đến 29.914 đơn vị, DN nợ BHXH. Thanh tra TP đã gửi thông báo kế hoạch thanh tra đến 284 DN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần