Đây chính là nội dung được các chuyên gia, DN và nhà quản lý quan tâm, bàn luận tại buổi Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường condotel” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội ngày 27/2.
Những điểm cần làm rõ
Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, vấn đề khúc mắc lớn nhất liên quan đến việc Bộ TN&MT ban hành Văn bản số 703/2020/BTNMT-TCQLĐĐ, đó chính là câu chuyện nằm ở nhà đầu tư thứ cấp, khi bỏ tiền đầu tư đều mong muốn có được quyền sử dụng đất nhưng condotel hiện chỉ được xét là cấp quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Câu chuyện này tạo ra mâu thuẫn lợi ích nhất định và các nhà đầu tư thứ cấp đang lo ngại sẽ thiệt thòi khi chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất chứ không có quyền sử dụng đất.
“Rất nhiều dự án khi giao cho chủ đầu tư theo hình thức đất ở và các chủ đầu tư này cũng đã xây dựng các chung cư, căn hộ du lịch (condotel) trên mảnh đất đó, thì việc quy định cấp giấy chứng nhận 50 – 70 năm có phù hợp không, hay phải như thế nào? Vấn đề này chưa được giải quyết rõ ràng, điểm quan trọng nhất để cho condotel phát triển là phải giúp các nhà đầu tư thứ cấp cảm thấy yên tâm và được bảo vệ” – ông Võ nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ khách sạn (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – VHTT&DL) Vũ Văn Thanh cho biết, việc quy định đây là căn hộ được cấp quyền sử dụng sẽ dẫn đến nảy sinh những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng diện tích chung trong các khu phức hợp. Có nhiều khu, nhiều người không phải chủ đầu tư, nhưng thuê lại để kinh doanh đã nảy sinh nhiều vấn đề... vì vậy, muốn giải quyết khi xảy ra tranh chấp phải có căn cứ rõ ràng.
“Chúng ta phải căn cứ để xử lý tranh chấp, để quản lý làm sao đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh an toàn. Tốt nhất, đây nên là một cam kết dân sự, xử lý các tranh chấp theo bộ Luật Dân sự. Khuyến khích các bên thống nhất chọn ra nhà vận hành chuyên nghiệp để có thể quản lý hiệu quả hơn” – ông Thanh nhìn nhận.
Condotel chỉ để kinh doanh
Luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty Luật Hừng Đông cho biết, các văn bản pháp luật hiện nay đều thừa nhận condotel là căn phòng khách sạn được xây dựng theo dạng căn hộ để kinh doanh du lịch, vì vậy đất xây phải là đất thương mại dịch vụ. Trên thực tế, nhiều địa phương cấp giấy chứng nhận cho các dự án condotel là đất ở, không hình thành đơn vị ở, nhưng trong luật lại không có khái nhiệm này.
“Condotel dù có sổ đỏ hay không có sổ đỏ cũng là căn hộ để kinh doanh, chứ không phải để ở. Nhưng việc cấp sổ đỏ theo Văn bản số 703 sẽ làm nhiều nhà đầu tư chộp giật, có nguy cơ “vỡ trận” khi bán căn hộ condotel” – ông Huế nhận định.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Văn bản số 703 theo quan điểm của giới luật sư là không có gì mới, chỉ là văn bản mang tính hướng dẫn nội bộ cho các Sở TN&MT, tính pháp lý của văn bản đều dựa trên luật hiện hành, như: Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật Du lịch, Luật Kinh doanh BĐS, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Việc cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho chủ đầu tư thì nhà đầu tư thứ cấp sẽ gặp rủi ro và ngược lại quyền sử dụng đất cấp cho DN nhưng quyền sở hữu tài sản lại cấp cho nhà đầu tư thứ cấp thì chủ đầu tư lại gặp rủi ro.
“Vấn đề này cả Bộ TN&MT và Bộ VHTT&DL chưa giải quyết được. Theo tôi, chúng ta đang có quy chế quản lý nhà chung cư, có thể ban hành quy chế riêng cho condotel, chủ đầu tư có thể tự thành lập đơn vị quản lý hay nhà đầu tư thứ cấp tự vận hành và trả chi phí quản lý” – ông Huế cho biết thêm.