Quyết sách phù hợp thực tiễn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Các đại biểu cần tập trung nghiên cứu, cho ý kiến, tạo sự thống nhất cao để Quốc hội có quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân" - đó là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh khi khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV ngày 20/5.

Đây là một kỳ họp có đến trên 60% thời lượng dành cho công tác xây dựng luật, trong đó có nhiều dự luật đặc biệt gắn chặt với đời sống người dân và được dư luận rất quan tâm.
Chưa thực sự bước vào những ngày nghị luận sôi nổi nhưng phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 đã khá “nóng” khi hàng loạt vấn đề bức xúc trong xã hội được truyền tải tới Quốc hội. Điều đặc biệt được chú ý tại Kỳ họp này chính là các Dự Luật dự kiến được xem xét để thông qua hoặc cho ý kiến bước đầu. Dù khối lượng luật không nhiều nhưng có không ít dự luật gắn chặt với đời sống kinh tế - xã hội, kỳ vọng tạo ra sự thay đổi trong phát triển tổng thể nền kinh tế và chính cuộc sống của người lao động. Để được đưa ra trước Quốc hội, những dự luật ấy đã qua một quá trình chuẩn bị rất kỹ càng.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, để mỗi dự luật ra đời thực sự làm “một cuộc cách mạng” đối với phạm vi lĩnh vực điều chỉnh, tác động và thực sự đi vào cuộc sống, không thể thiếu được vai trò của đại biểu Quốc hội, những người sẽ ấn nút thông qua.
Ví như Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), dù đã được thảo luận qua 2 kỳ họp, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề gây băn khoăn, chưa có được sự thống nhất cao từ chính những người làm luật. Bởi thế, việc nhìn nhận từ thực tế, giải quyết thấu đáo hết mọi vấn đề quả thật không dễ dàng. Hay như Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến bước đầu tại Kỳ họp này giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh lĩnh vực khá rộng, tác động đến tất cả các thành phần kinh tế, mọi DN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động. Do đó, ngay từ khi đưa ra lấy ý kiến dư luận, đã có nhiều những ý kiến đa chiều với các đề xuất mới từ tăng tuổi hưu, điều chỉnh giờ làm, tăng giờ làm thêm… Ngay từ khi Dự Luật ban đầu đến Dự Luật trình ra Quốc hội cũng đã có nhiều sự điều chỉnh, nhưng chắc chắn, đây vẫn sẽ là Dự Luật làm “nóng” nghị trường Quốc hội cũng như dư luận những ngày tới.
Bởi thế, trong các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp này, các cử tri hy vọng rằng Quốc hội sẽ làm luật với những quy định chặt chẽ, khoa học hơn. Mỗi đại biểu Quốc hội, người đại diện cho tiếng nói của cử tri phải có trách nhiệm phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất được các giải pháp không chỉ dựa trên quan điểm cá nhân mà từ cái nhìn thực tế. Như với những quy định mới được đề xuất như tuổi nghỉ hưu, cần có sự đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động khi ghi nhận “quyền nghỉ hưu”; tác động đối với người lao động; dự liệu phản ứng của dư luận xã hội… để có bảo đảm lựa chọn được phương án phù hợp và tối ưu. Bởi thế, cử tri kỳ vọng rằng, các đại biểu sẽ phát huy trí tuệ cao nhất trong công tác xây dựng luật, để có những cái nhìn thấu đáo nhất, xem xét vấn đề dưới nhiều góc độ trước khi quyết định một vấn đề. Để mỗi quy định trong dự luật khi được thông qua có thể đi vào được cuộc sống, không gây ra những hiệu ứng lo lắng trong dư luận.