Quyết tâm theo đuổi pháp lý ở Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 3 tháng sau cuộc tuần tra của tàu khu trục Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc cải tạo trái phép trên Biển Đông, Washington tiếp tục “thực thi quyền tự do hàng hải” bằng việc điều một chiến hạm áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Mỹ.
Tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Mỹ.
Tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Mỹ, ngày 30/1 đã tới khu vực 12 hải lý cách đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Mỹ tuyên bố động thái này nhằm thách thức những hạn chế về quyền và tự do hàng hải của Washington cũng như các nước khác trên Biển Đông. Đây không phải động thái bất thường, diễn ra ngay sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh ngày 27/1. Cùng ngày này, Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris cũng nhận định, các sứ mệnh tuần tra Biển Đông không những sẽ tiếp tục được triển khai mà còn tăng cường về số lượng, quy mô và độ phức tạp. Chuyến tuần tra này có điểm khác biệt với lần Washington điều khu trục hạm USS Lassen  áp sát đá Xu Bi, vốn bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa tháng 10/2015. Dư luận quốc tế lâu nay thường tập trung vào những diễn biến ở Trường Sa hơn là những hành động nguy hiểm không kém của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Vì thế, bước đi mới của Washington cho thấy cộng đồng quốc tế chưa từng quên vấn đề của Hoàng Sa.

Đặc biệt, Lầu Năm Góc hôm 30/1 công khai hoạt động của tàu USS Curtis Wilbur và điều động nhiều phát ngôn viên đồng loạt thông báo. Khác với lần trước khi Bộ Quốc phòng Mỹ không công khai xác nhận mà chỉ cho một số quan chức giấu tên hé lộ với báo chí. Luồng thông tin bất nhất do hai bên đưa ra cũng đáng lưu ý. Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc mô tả binh sĩ, tàu chiến và máy bay Trung Quốc chiếm đóng trái phép đảo Tri Tôn “lập tức nhận dạng tàu Mỹ, phát tín hiệu cảnh cáo và trục xuất tàu nhanh chóng”. Tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra, không có tàu quân sự nào của Trung Quốc xuất hiện khi chiến hạm USS Curtis Wilbur di chuyển trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn.

Tuyên bố của Bắc Kinh vấp phải phản ứng của các quốc gia ủng hộ quyền thực hiện tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, mà Washington là đại diện thực hiện. Ngày 31/1, bà Marise Payne - Bộ trưởng Quốc phòng Australia đã lên tiếng ủng hộ hành động của Washington, đồng thời khẳng định các tàu và máy bay của Australia sẽ tiếp tục thực hiện quyền của mình, tuân theo luật quốc tế ở các khu vực, trong đó có Biển Đông. Như vậy, không chỉ đơn thuần là hành động thực thi quyền tự do hàng hải, động thái mới của Washington có khả năng thôi thúc các nước khác có bước đi tương tự, qua đó cảnh cáo việc “tự biên tự diễn” của bất kỳ quốc gia nào trên Biển Đông.
Ngày 31/1, bày tỏ quan điểm về vấn đề này, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa. Là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần