Ra mắt Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/1, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ ra mắt Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội trên cơ sở sáp nhập Ban quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm và Ban quản lý Phố cổ Hà Nội.

Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, tổ chức trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích khu phố cổ Hà Nội và bảo vệ không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm.
 Ra mắt Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội
Thực hiện công tác thông tin, giới thiệu, quảng bá các giá trị của khu phố cổ Hà Nội, lịch sử văn hóa Hồ Gươm; tiếp nhận, quản lý và khai thác một số di tích, công trình kiến trúc cổ đã được tu bổ, trùng tu; kêu gọi đầu tư và lập Quỹ bảo tồn khu phố cổ Hà Nội; khôi phục lại các phố nghề, làng nghề, lễ hội truyền thống khu phố cổ Hà Nội.
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chủ trì, hướng dẫn duy trì, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn khu vực hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố cổ Hà Nội.
Ban còn có nhiệm vụ tổ chức thu phí và thực hiện dịch vụ phục vụ khách du lịch tham quan khu phố cổ, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố cổ Hà Nội theo quy định của Nhà nước và thành phố...
Phát biểu tại Lễ ra mắt, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nêu rõ, từ ngày 1/2/2021, Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội sẽ chính thức hoạt động với tên gọi mới là Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội theo Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 11/01/2021 của UBND Thành phố, nâng cao hiệu quả hoạt động và theo chủ trưởng sắp xếp bộ máy, quản lý toàn diện khu vực hồ Hoàn Kiếm (di tích Quốc gia đặc biệt) và khu Phố cổ Hà Nội (di tích Quốc gia).
Trước mắt việc sáp nhập thực hiện theo nguyên tắc chuyển nguyên trạng toàn bộ các nội dung: Nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất, hồ sơ tài liệu liên quan đến tài sản, vật tư, đất đai, máy móc, trang thiết bị, hồ sơ công việc chuyên môn,… đảm bảo không để thất thoát tài sản Nhà nước, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Việc sáp nhập của Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội một lần nữa thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo Thành phố, sự tin tưởng của Thường trực quận ủy, lãnh đạo HĐND-UBND quận vào bộ máy và từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có ý nghĩa quan trọng, sẽ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là duy trì, phát huy giá trị di sản đô thị và phát triển du lịch của quận Hoàn Kiếm.

"Với vị trí pháp lý và chức năng, nhiệm vụ đã được xác định, tôi tin tưởng rằng Ban lãnh đạo và các phòng chuyên môn của Ban sẽ phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình, nêu cao tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, viên chức của Ban quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm và Ban quản lý phố cổ Hà Nội, đồng sức đồng lòng xây dựng Ban ngày một phát triển vững chắc, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo Thành phố và Quận", Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm bày tỏ. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần