Rà soát quy hoạch, xóa chợ cóc

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/2, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội đã giám sát tại quận Hoàng Mai về tình hình quản lý, đầu tư, phát triển chợ trên địa bàn.

Thực tế giám sát cho thấy, mặc dù quận đã triển khai Đề án quy hoạch, đầu tư quản lý và khai thác chợ, trung tâm thương mại (TTTM) giai đoạn 2010 - 2015, song vẫn chưa có những TTTM lớn, nhiều dự án xây TTTM chậm tiến độ hoặc không hiệu quả, nhiều phường còn thiếu chợ dân sinh.
Nhiều đơn vị quản lý      
Theo thống kê, ngoài chợ đầu mối phía Nam do Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) quản lý, 1 chợ đang chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chợ và các dịch vụ thương mại (chợ Vĩnh Tuy), trên địa bàn quận hiện có 15 chợ đang hoạt động. Các chợ này do ban quản lý (BQL) chợ của quận quản lý, một số lại do tổ quản lý thuộc UBND phường hoặc HTX kinh doanh, khai thác và quản lý…

Chợ đầu mối phía Nam. Ảnh: Hà Bình

Qua giám sát cũng cho thấy, trên địa bàn quận vẫn còn 6 điểm chợ cóc được tạm thời cho tồn tại để phục vụ nhu cầu của người dân tại 6 phường chưa có chợ dân sinh. Và theo lãnh đạo quận, trong số này có 4 phường không còn quỹ đất để quy hoạch đầu tư xây dựng chợ. Việc thu hút các hộ vào kinh doanh tại chợ sau khi đầu tư vẫn còn hạn chế, như chợ dân sinh Thanh Trì có tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng, nhưng sau khi hoàn thành lại không thu hút được các hộ kinh doanh do vị trí chợ không thuận lợi cho việc mua bán.
Tại các chợ do các tổ, HTX quản lý, nhiều chợ đã xuống cấp nhưng việc đầu tư sửa chữa gặp nhiều khó khăn do mô hình này không có cơ sở huy động nguồn vốn trong xã hội để đầu tư, và một nguyên nhân nữa là diện tích một số chợ đã quy hoạch sử dụng vào mục đích khác (như chợ Giáp Nhị, Kim Lũ, Khu Thượng…).
Đặc biệt, dự án xây dựng chợ Trương Định bắt đầu triển khai năm 2010. Năm 2013, tiểu thương chuyển sang chợ tạm ở Khu đô thị Đền Lừ mang theo lời hứa của chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại Trương Định là 2 năm sau sẽ trở về. Nhưng đến nay, đã là năm thứ 4 mà các hộ kinh doanh vẫn phải ở khu chợ tạm, chờ chủ đầu tư điều chỉnh dự án nhiều lần và nhiều hộ đã phải ngừng hoạt động vì kinh doanh không hiệu quả.
Qua khảo sát thực tế tại chợ đầu mối phía Nam (chợ loại I do TP quản lý), Đoàn giám sát nhận định: Hiện nay, hoạt động của chợ đã xuống cấp, cá, rau, thịt bán lẫn lộn trong một khu, mất vệ sinh ATTP. Chợ đầu mối nhưng không truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng rau củ quả, chợ hoạt động tràn lan dưới lòng đường, xả rác bừa bãi, tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Kiều Oanh, quận đề xuất TP giao cho quận thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng chợ - TTTM tại đây. Đồng thời quy định rõ, cụ thể về trách nhiệm và thẩm quyền quản lý Nhà nước với các chợ đầu mối.
Cần tăng cường công tác quản lý
Trước thực trạng quản lý chợ tại quận Hoàng Mai, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, dù đã có nhiều cố gắng trong quản lý chợ, lập danh mục 6 chợ để đề xuất TP kêu gọi đầu tư; chủ động xây dựng kế hoạch cùng liên ngành thực hiện phân hạng chợ…, nhưng Hoàng Mai vẫn còn nhiều việc phải quan tâm. Đến nay, quận chưa chọn được mô hình quản lý chợ hiệu quả; nguồn vốn xã hội hóa xây chợ tương đối lớn nhưng thực lực đầu tư một số dự án không cao, chậm tiến độ. Đặc biệt, công tác rà soát quy hoạch chợ chưa kịp thời, cho nên vẫn còn những phường trắng chợ dân sinh nhưng không còn quỹ đất. Công tác thu phí và giá ở một số chợ do các HTX quản lý chưa minh bạch. Trước thực tế trên, Đoàn giám sát đề nghị quận Hoàng Mai tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, khẩn trương rà soát quy hoạch, không để tồn tại chợ cóc, chợ tạm. Cùng với đó, quận cần tích cực kiểm tra theo đoàn liên ngành, có lộ trình khắc phục những bất cập nêu trên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần