Rác thải đại dương đang trở thành vấn đề môi trường lớn của thế giới

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/9, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản”.

Hội thảo do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Chính sách đại dương Nhật Bản Fukui Teru đồng chủ trì. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan, đơn vị và chuyên gia, nhà khoa học hai phía Việt Nam và Nhật Bản.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Hội thảo nhằm thảo luận các kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu về biển và đại dương của Nhật Bản, về các quan điểm, định hướng chiến lược phát triển trong các lĩnh vực về biển, quản lý biển và đại dương; mô hình tổ chức quản lý tổng hợp, thống nhất về biển của Nhật Bản; kinh nghiệm trong việc lập và thực thi các chính sách, chiến lược về biển; thảo luận về cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực về biển, hải đảo.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hội thảo là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học và chuyên gia về biển của Việt Nam học hỏi những kinh nghiệm quý báu của các nhà quản lý, các chuyên gia của Nhật Bản trong quá trình thực thi chính sách đại dương của Nhật Bản, cũng như những định hướng trong Kế hoạch thực hiện 5 năm tiếp theo của Nhật Bản. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia của các Bộ, ngành ở Việt Nam chia sẻ thông tin; lắng nghe ý kiến góp ý của các đồng nghiệp Nhật Bản, để làm sâu sắc hơn những tri thức về phát triển kinh tế biển, bảo tồn và bảo vệ tài nguyên biển.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cùng nhau trao đổi, làm rõ những vấn đề về nhận diện những cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế biển, bảo tồn và bảo vệ tài nguyên biển trong bối cảnh chúng ta phải giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ô nhiễm rác thải đại dương.

Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo

Các bài học thành công và chưa thành công, trong quá trình quản lý không gian biển, vùng ven bờ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; từ đó xem xét đề xuất cơ chế trao đổi, chia sẻ tri thức về biển, các kinh nghiệm trong xây dựng và hoạch định chính sách về biển và đại dương thông qua các hội thảo, hội nghị thường niên.

Các đại biểu cũng xây dựng các tham luận để xác định rõ những cơ hội hợp tác chung trong thăm dò, nghiên cứu biển; xác lập cơ chế, đề xuất các dự án hợp tác chung, cũng như các dự án khu vực nhằm giải quyết các thách thức về môi trường biển, như rác thải đại dương…

Đặc biệt, tại đây Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Arata Takebe cho rằng, vấn đề rác thải đại dương đang trở thành vấn đề môi trường lớn đối với cộng đồng quốc tế và nguyên nhân do xử lý không đầy đủ về vấn đề rác thải nhựa từ đất liền cũng như không thực hiện nghiêm túc kinh nghiệm trong mô hình xử lý 3R về vấn đề rác thải (3R là từ viết tắt của 3 chữ cái đầu trong tiếng Anh: Reduce - Reuse - Recycle (Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế). Thứ trưởng Arata Takebe cũng cho biết, vào tháng 6/2018 luật xử lý rác thải trên biển cũng đã được Nhật Bản sửa đổi và lần đầu tiên các giải pháp về rác thải nhựa đã đưa vào luật và trên cơ sở sửa đổi luật sẽ thúc đẩy mạnh mẽ vấn đề xử lý rác thải nhựa đại dương và mục tiêu sẽ đưa Nhật Bản là quốc gia hàng đầu thế giới về vấn đề xử lý rác thải nhựa đại dương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần