Rào cản chuyên nghiệp

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vòng 1 V.League 2017 khép lại với rất nhiều mặt được và cả mặt chưa được. Bên ngoài những cuộc đua tranh về chuyên môn thì chuyển động bên lề giải đấu cũng rất được dư luận chú ý.

Và người ta thấy rằng, nỗ lực chuyên nghiệp hóa của giải đấu vẫn đang vấp phải rất nhiều rào cản.
Trong trận đấu đầu tiên ở sân Lạch Tray, chủ nhà Hải Phòng đã thất bại trước Sài Gòn FC. Đây là kết quả khá bất ngờ, bởi á quân V.League 2016 được đánh giá rất cao. Thế nhưng, bên cạnh cú sốc về chuyên môn cho những người yêu mến đội chủ nhà thì bên lề sân Lạch Tray còn có một sự kiện không biết nên khóc hay cười. Số là các thành viên của kênh truyền thông trực tuyến của BTC giải đã không được bố trí cabin bình luận như mọi sân vận động. BTC sân Lạch Tray lý giải, họ phải dồn toàn lực để bảo đảm an ninh, an toàn cho trận đấu nên không có chỗ cho bộ phận truyền thông phục vụ truyền hình trực tiếp trận đấu.
 Ảnh minh họa
Dù là thành viên BTC giải, được phái xuống cơ sở làm nhiệm vụ nhưng nhóm kênh truyền thông trực tuyến VPF không được tạo điều kiện hoàn thành công việc của mình. Thậm chí, ngay cả BTC giải cũng không thể can thiệp để họ có được một chỗ ngồi tác nghiệp. Vạn bất đắc dĩ, các thành viên của nhóm đành phải mượn tạm chỗ ở… quán trà đá bên ngoài sân Lạch Tray để tường thuật trực tiếp trận đấu!
Đây không phải là lần đầu tiên giới truyền thông vốn được cho là bộ phận quyết định sự thành bại của hình ảnh giải đấu bị làm khó. Nhiều lần các đài truyền hình dù có bản quyền nhưng không được tạo điều kiện tác nghiệp. Lúc thì chỗ đặt máy, khi thì khó khăn trong việc kéo cáp điện hay đường truyền. Mỗi lần như vậy, BTC giải phải mất không ít thời gian để ngọt nhạt với BTC sân nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp, dù trên nguyên tắc, đây là việc phải làm trong công tác tổ chức trận đấu. Người ta cũng chưa bao giờ thấy BTC giải ra một án phạt nào dành cho BTC sân vì đi ngược lại điều lệ giải. Và thế là tình trạng nhờn luật, coi thường BTC giải cứ diễn ra như ngày thường ở huyện.
BTC giải đã có nỗ lực truyền hình tất cả các trận đấu ở V.League. Nếu các trận đấu không có truyền hình trực tiếp, kênh truyền thông của VPF sẽ tiến hành phát sóng trên mạng internet. Điều này nhằm hướng đến mục tiêu quảng bá hình ảnh giải đấu, góp phần tăng giá trị các bản hợp đồng tài trợ.
Về nguyên tắc, việc đẩy mạnh công tác truyền thông là việc cấp bách với mỗi giải đấu. Các đội bóng và nhà tài trợ cũng muốn trận đấu của mình được tường thuật trực tiếp. Đó là trên lý thuyết, còn thực tế thì không phải đội bóng nào cũng muốn lên sóng và xa hơn nữa là làm bóng đá một cách chuyên nghiệp. Sự ngược chiều gió này được lý giải bởi, các đội bóng không được lợi gì từ việc đẩy mạnh công tác truyền thông. BTC giải muốn tăng số trận đấu được truyền hình trực tiếp và họ đã chi rất nhiều tiền để làm việc này. Thế nhưng, đến giờ, họ vẫn loay hoay trong việc, làm sao để biến bản quyền truyền hình thành nguồn lợi chính nuôi bóng đá.
Hàng năm, VPF vẫn dành một khoản tiền chi cho các đội bóng coi như là hỗ trợ tiền bản quyền truyền hình. Nhưng số tiền khiêm tốn thu về từ VPF không đủ để đội bóng trả lương cho một tháng. Chính vì điều này mà các đội bóng phải tính đến việc chủ động nguồn thu. Và họ cho rằng, tường thuật quá nhiều sẽ khiến khoản thu từ bán vé bị ảnh hưởng. Và thế là sự chuyên nghiệp trong quản lý bóng đá bỗng chốc thành nỗi ám ảnh với các đội bóng vốn có nguồn thu hạn hẹp. Họ có xu hướng bất hợp tác với BTC giải. Trong bối cảnh BTC giải không đủ mạnh thì rào cản mà các đội bóng tạo ra ngày càng lớn khiến nỗ lực đi lên chuyên nghiệp luôn bị ảnh hưởng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần