Rào cản kinh tế sẽ hạn chế gia tăng phương tiện

Ngọc Hải thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP Hà Nội có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”. Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện về các vấn đề xung quanh việc triển khai xây dựng Đề án này.

Mục tiêu là hạn chế ùn tắc và ô nhiễm
Xin ông cho biết vì sao việc lập Đề án phải xin ý kiến của Chính phủ?

- Tháng 4/2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 04 về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm hạn chế UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong Nghị quyết có rất nhiều giải pháp đồng bộ; một trong số đó là bổ sung giải pháp về kinh tế. Cụ thể, thu phí đối với các phương tiện giao thông đường bộ vào một số khu vực có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường cao trong nội đô.
 
Tuy nhiên, đây là một trong những vấn đề mới, chưa được quy định trong Luật Phí và Lệ phí hiện hành. Do đó, UBND TP Hà Nội đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu. Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương, cho phép xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP Hà Nội có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”. Đây là cơ sở để Thủ tướng xem xét, quyết định trình lên Quốc hội, nhằm bổ sung các khoản thu này vào Luật. Và các khoản thu nói trên, nếu được thông qua sẽ được áp dụng trên tất cả các tỉnh, thành cả nước chứ không riêng gì Hà Nội.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là gì, thưa ông?

- Đây là một biện pháp kinh tế nhằm góp phần hạn chế UTGT, ô nhiễm môi trường. Không chỉ thế, giải pháp này còn có ý nghĩa tích cực thúc đẩy sự phát triển của hệ thống vận tải hành khách công cộng; tác động nhằm thay đổi thói quen sử dụng phương tiện và lựa chọn các tuyến đường tham gia giao thông của người dân. Việc thu phí không phải để gây khó khăn cho người dân hay tăng thu ngân sách. Mà nó chỉ tác động để người dân có lựa chọn tuyến đường đi, phương tiện di chuyển hợp lý nhất cho mình, đồng thời cũng vì lợi ích chung của cộng đồng, TP.

Đề án được xây dựng dựa trên những nguyên tắc nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã xác định, Đề án phải đảm bảo 5 nguyên tắc để đem lại hiệu quả tốt nhất. Thứ nhất là đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong Đề án quản lý phương tiện giao thông đã được HĐND TP thông qua tại Nghị quyết số 04 năm 2017. Thứ hai, phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và các tỉnh, thành có liên quan; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Thứ ba, việc thu phí phải đảm bảo tính khoa học, khả thi để có thể thực hiện được. Thứ tư là hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân trong vùng chịu ảnh hưởng. Thứ năm là phải có những giải pháp khắc phục các khó khăn phát sinh trong quá trình thu phí thực tế.

Vậy, Đề án phải tập trung vào những nội dung nào?

- Chúng tôi đã xây dựng 5 nội dung mà Đề án phải giải quyết. Trước hết là phạm vi và đối tượng thu phí, đây là vấn đề được Nhân dân và dư luận quan tâm nhất. Hiện chúng tôi vẫn đang nghiên cứu tỉ mỉ, thận trọng nội dung này. Kinh nghiệm từ một số nước phát triển cho thấy, đa số đô thị đều có các loại phí này, áp dụng tại các khu vực cần hạn chế phương tiện. Việc tổ chức thu phí chia thành các nhóm tùy theo phạm vi, mức độ khí thải; phương tiện càng có nguy cơ gây ô nhiễm nhiều thì thu phí càng cao.

Khi đã xác định được phạm vi, đối tượng thì phải phân vùng tổ chức, kết nối giao thông, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân. Đặc biệt, đảm bảo cho những người không muốn trả phí vẫn có lối đi, hướng đi thuận tiện tối đa. Ngoài ra còn phải nghiên cứu phát triển các điểm giao thông tĩnh dành cho người dân khi chuyển đổi từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng tại các khu vực thu phí. Tiếp đó phải nghiên cứu xác định mức thu phí là bao nhiêu cho phù hợp với các điều kiện của Hà Nội. Nguồn kinh phí thu được phải có phương án phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự, ATGT, giảm UTGT và ô nhiễm môi trường của TP. Cuối cùng là đánh giá tác động bất lợi khi tổ chức thu phí đối với mọi mặt đời sống của Nhân dân Thủ đô, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp phù hợp nhất.
Đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng
Nghiên cứu thu phí cả xe máy

Việc thu phí sẽ được áp dụng với loại hình phương tiện nào, thưa ông?

- Nghị quyết số 04 đã xác định, việc thu phí thực hiện nhằm hạn chế UTGT tại các khu vực có nguy cơ cao; đồng thời đặt ra mục tiêu hạn chế, tiến tới chấm dứt việc sử dụng xe máy trong khu vực trung tâm TP vào năm 2030. Do đó không loại trừ trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia cũng sẽ đề xuất cả việc thu phí nhằm hạn chế cả ô tô lẫn xe máy trên một số tuyến đường. Tuy nhiên, việc hạn chế xe máy phải đáp ứng mục tiêu đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, do vậy phải tương ứng với lộ trình phát triển vận tải công cộng.

Ông có thể cho biết sẽ áp dụng phương thức thu phí như thế nào?

- Nếu thu phí thủ công có thể gây UTGT. Do đó chắc chắn sẽ cần phải ứng dụng công nghệ hiện đại để nhận biết các xe thuộc diện phải thu và thu phí tự động. Như vậy mới có thể đảm bảo tính khả thi của Đề án, cũng như hạn chế những tác động tiêu cực của việc thu phí đối với giao thông Hà Nội.

Có ý kiến cho rằng, việc thu phí như nói trên sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí. Ông lý giải thế nào về vấn đề này?

- Khi giao Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất, Thủ tướng cũng đã yêu cầu phải làm rõ mục tiêu của việc thu phí. Và mục tiêu của nó là hạn chế nguy cơ UTGT, ô nhiễm môi trường. Loại phí này không nhằm mục đích tăng thu ngân sách mà chỉ có ý nghĩa tác động đến sự lựa chọn của người dân trong quá trình di chuyển mà thôi. Như vậy, nó không tác động đến tất cả các đối tượng xã hội; người dân vẫn có quyền lựa chọn. Hơn nữa, loại phí này không trùng lắp với các loại phí khác, do đó không thể nói là có hiện tượng phí chồng phí.

Sau khi Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho lập đề án, TP sẽ tiến hành các bước tiếp theo như thế nào?

- Thủ tướng đã giao Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành T.Ư và các địa phương như TP Hồ Chí Minh... nghiên cứu, đề ra những mục tiêu, yêu cầu chung để xây dựng Đề án. UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Viện Chiến lược, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án. Hiện nay, chúng tôi cũng đã xây dựng Đề cương các bước lập Đề án để trình lên và được UBND TP phê duyệt. Đề án sẽ được trình lên HĐND TP trong năm 2019. Nếu được thông qua, Đề án sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần