"Rào cản Nga" bị phá vỡ sau thành công mới của Tổng thống Trump

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một nỗ lực do Đảng Dân chủ lãnh đạo nhằm ngăn chặn chính quyền Trump nới lỏng lệnh trừng phạt Nga đã thất bại tại Thượng viện Mỹ hôm 16/1.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan hồi tháng 7/2018.
Kết quả cuộc bỏ phiếu bởi các Thượng nghị sĩ đã dọn đường cho ông Trump dỡ bỏ các hạn chế đối với ba công ty được kiểm soát bởi một tỷ phú người Nga Oleg Deripaska - được cho là có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời giảm bớt sự lo ngại của thị trường nhôm toàn cầu với việc nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới Rusal vẫn đang nằm trong danh sách đen của Mỹ.
Ba doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Deripaska, bao gồm công ty điện lực EuroSibEnergo, Rusal và công ty mẹ EN+, đã bị Washington phong tỏa hồi tháng 4/2017, như một phần trong nỗ lực trừng phạt Moscow vì nghi vấn can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và quyết định sáp nhập Crimea năm 2014. Các công ty này vốn không bị buộc tội nào để dẫn đến các biện pháp trừng phạt nhưng bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu đa số của ai đó theo lệnh trừng phạt của Mỹ đều bị chặn theo chính sách - được gọi là quy tắc 50%.
Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ đã đặt nghi vấn về quyết định của Bộ Tài chính nước này hồi tháng 12 vừa qua về việc giảm bớt các lệnh trừng phạt nói trên. Theo một thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ, ông Deripaska phải giảm tỷ lệ sở hữu tại EN+ xuống còn 44,95%, giảm từ 70%. Nó cũng giới hạn tỷ lệ phiếu bầu của ông này ở mức 35% nhằm cắt đứt khả năng kiểm soát công ty của Deripaska. EN+ phải bổ nhiệm một ban giám đốc mới trong khi Mỹ sẽ đọc các báo cáo thu nhập hàng quý và biên bản các cuộc họp của hội đồng, đảm bảo việc ông Deripaska không thể thu bất kỳ khoản cổ tức nào trong tương lai. Vài giờ sau cuộc bỏ phiếu hôm 16/1, Bộ Tài chính cũng đã gia hạn thêm một tuần nữa để Deripaska hoàn tất quá trình thoái vốn, dù sau đó ông này vẫn sẽ nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Thực tế, lệnh trừng phạt nói trên không mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ, đặc biệt là trên phương diện một quốc gia đang cạnh tranh thương mại trực tiếp với Trung Quốc. Rusal là nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc khiến những hạn chế đối với công ty này đã vô tình thúc đẩy xuất khẩu nhôm của Trung Quốc lên mức cao kỷ lục trong năm 2018. Chính phủ các nước phương Tây cũng đã vận động trong nhiều tháng qua nhằm giúp các lệnh trừng phạt Nga được nới lỏng để tránh các tác động tiềm tàng đối với nhiều doanh nghiệp của Mỹ và châu Âu. Hôm 12/1, đại sứ nhiều nước châu Âu và trưởng đại diện Liên minh châu Âu (EU) tại Mỹ đã gửi thư tới các Thượng nghị sĩ để bày tỏ sự ủng hộ việc gỡ bỏ trừng phạt. Kể từ khi các biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với EN+ và Rusal, các doanh nghiệp nhôm tại Anh, Áo, Pháp, Đức, Ireland, Italy và Thụy Điển đều phải đối mặt với sự tăng giá đột ngột, đồng thời chấm dứt hợp đồng với những đối tác lâu năm.
Trên lý thuyết, một cuộc bỏ phiếu tương tự cũng diễn ra tại Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đa số vào một ngày sau đó, khi theo luật trừng phạt của năm 2017 thì cả hai cơ quan tạo lập Quốc hội có 30 ngày để thông qua các nghị quyết không tán thành với dự thảo của chính quyền Tổng thống đương nhiệm. Tuy nhiên cuộc bỏ phiếu hôm 16/1 tại Thượng viện, nơi Đảng Cộng hòa chiếm đa số, đã không đảm bảo được 60 phiếu cần thiết để có thể ngăn chặn việc chính thức gỡ bỏ trừng phạt đối với ba công ty Nga, dự kiến diễn ra vào ngày hôm nay (18/1).