Ẩn họa mất an toàn giao thông ở ngoại thành - Bài 1: Rạp đám cưới lấn đường

Nhà văn Nguyễn Văn Học
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông vùng ngoại thành tăng mạnh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này trong đó có nguyên nhân từ việc tổ chức đám hiếu, hỷ diễn ra không chỉ trên các quốc lộ, mà cả tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn. Trong khi việc xử lý gần như mang tính hình thức, chiếu lệ.

Việc tổ chức đám cưới lấn đường giao thông đã diễn ra không chỉ trên các quốc lộ, mà cả tỉnh lộ, đường liên xã ở nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội. Thực trạng này đang gây ra nhiều tiềm ẩn tai nạn giao thông, đòi hỏi chính những người trong cuộc, các cấp, ngành địa, phương phải vào cuộc quyết liệt hơn thay vì vẫn có sự nể nang, cố tình vi phạm như hiện nay
Bất kể nguy hiểm rình rập

Sáng ngày 2/12/2017, nút giao cắt của Quốc lộ (QL) 1A với đường liên xã, kéo từ Guột tới xã Minh Tân (thuộc địa bàn xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên) đã bị ùn tắc nghiêm trọng chỉ bởi một rạp đám cưới bắc lấn ra 1/3 đường. Điều đáng nói, rạp này lại nằm sát với điểm cua của các xe tải đi từ phía QL1A vào, lại thêm xe tải và các phương tiện khác từ bên trong đi ra, khiến tất cả cứ đứng… nhìn nhau. Theo quan sát của chúng tôi, nút giao thông này vốn đã hẹp, lại bị người dân làm gờ bê tông cao lên, lấn ra đường. Một số người dân ở xã Phúc Tiến, cạnh điểm giao cắt, cho biết: “Đường hẹp, bình thường đã khiến các phương tiện di chuyển khó. Nay lại thêm cái rạp đám cưới, thành ra càng hẹp và tắc hơn”.

Tắc nghẽn tại nút Guột (Phúc Tiến, Phú Xuyên) do rạp đám cưới được dựng dưới lòng đường.  Ảnh: Nguyễn Văn Học

Tìm hiểu thực tế, tuyến đường này khá đông dân, đặc biệt tại khu vực xã Tri Thủy, khu vực chợ Bái của xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) do các hộ dân đều xây dựng nhà quay ra mặt đường. Nhà không có sân, không có vỉa hè, nên nếu có đám hiếu, đám hỷ đều dựng rạp lấn đường. Có hộ lấn 1/2 đường, khiến nhiều đoạn đã hẹp lại càng hẹp. Ông Nguyễn Văn Hòa, người dân ở khu vực chợ Bái, cho biết: “Nếu vào phiên chợ, người dân họp ngay lề đường mà lại vướng đám cưới nữa thì tắc đường khủng khiếp. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng có phương án khắc phục”.

Đây chỉ là những dẫn chứng cho thực trang đang diễn ra phổ biến ở nhiều tuyến QL, tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn ở nhiều vùng ngoại thành khác diễn ra thời gian dài vừa qua.

Quy định đã có nhưng xử lý lại nể nang

Thực tế là trên các cung đường đã có những tai nạn liên quan đến rạp đám cưới lấn đường, các phương tiện đâm vào người dự cưới hoặc va quệt vào người ngồi trong rạp. Nặng hơn, ở một số địa phương khác có đám cưới gây tai nạn, có vụ làm 6 người thương vong, có vụ xe tải tránh rạp đám cưới đâm nát đầu xe khách… Tôi từng có cảm giác rợn người vì ngồi ăn cỗ ở... lòng đường, trong khi đó ô tô, xe máy vẫn phi qua ầm ầm. Song, nhiều người cũng ngồi trong rạp vẫn thoải mái chúc tụng, ngăn với quốc lộ bởi chiếc rèm, trong khi bên ngoài xe cộ chạy với tốc độ nhanh. Hỏi không ít khách rằng có sợ xe ô tô, xe máy mất lái lao vào? Nhiều người trả lời rằng, cũng thấy lo lắng bởi phải ngồi ở vị trí thiếu an toàn. Quan sát tại một số rạp đám cưới, gia đình đã dùng chiếc lốp xe máy cũ, mấy cành cây hoặc ít gạch vỡ trải ra đoạn đường trước rạp để “cảnh báo” người đi đường là hãy đi chậm lại. Tuy nhiên, với nhiều thanh niên, dù đã cảnh báo cũng chẳng làm tay ga họ giảm xuống. Đó là chưa kể đến chuyện ở làng quê, việc tổ chức đám hiếu, hỷ, các gia đình xung quanh, nhà đối diện bên kia đường đều được trưng dụng làm nơi nấu cỗ, giữ xe, bắc thêm rạp để khách có thêm chỗ ngồi. Vì thế, lưu lượng người (trong đó có trẻ em) đi lại qua đường là lớn và không phải ai cũng để ý quan sát.

Chia sẻ về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh cho biết: “Do phong tục tập quán, người dân vẫn phải tổ chức cỗ bàn linh đình. Do không gian thiếu, buộc họ phải lấn đường bắc rạp. Tuy nhiên tất cả lại đều là tự phát, nên người ta không có cách cảnh giới để bảo đảm an toàn giao thông. Điều đó rất dễ gây tai nạn”.

Hỏi về công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn dân cư, một số cán bộ ở xã, phường cho biết, đã có các quy định cấm sử dụng lòng, lề đường để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Theo quy định tại Điều 203 “Tội cản trở giao thông đường bộ” Bộ luật Hình sự, người nào có một trong các hành vi: Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 - 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm… Quy định như vậy, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh, nhiều gia đình không thuê được nhà hàng, hoặc không có địa điểm đủ rộng bắc rạp nên tổ chức liên hoan tiệc tùng cho con ngay tại gia đình; bày ra giữa đường. Cư dân hàng xóm cũng dễ dàng thông cảm. Cán bộ địa phương có biết nhưng do nể nang, tình nghĩa làng xã, thậm chí do chính gia đình cán bộ tổ chức nên đành lặng im cho qua chuyện.

Đám cưới là chuyện vui mừng của đôi bạn trẻ và cả dòng họ. Nhưng để đám cưới vừa vui, vừa an toàn, người dân cần chú ý quan tâm đến việc dựng rạp sao cho không cản trở giao thông, không gây nguy hiểm cho người dự đám cưới.

Một số chuyên gia đề xuất, cần có quy hoạch khu sinh hoạt cộng đồng, tạo không gian địa điểm tổ chức đám cưới cho người dân trong thôn, xã, thị trấn, dọc các tuyến đường. Đồng thời tích cực tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt những hành vi cố tình vi phạm, tránh gây mất mỹ quan và hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
(còn nữa)