Rau an toàn vẫn bí đầu ra

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu nay, sản xuất rau trên địa bàn TP vẫn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang xây dựng các chuỗi sản xuất – tiêu thụ rau an toàn (RAT) nhằm kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 Sơ chế sản phẩm rau an toàn tại HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ngọc Ánh
Giám sát theo quy trình

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, TP hiện có 48 chuỗi tiêu thụ RAT theo liên kết dọc, trong đó có 9 chuỗi tự tổ chức sản xuất rau, không thu gom, 23 chuỗi vừa sản xuất, vừa thu gom và 16 chuỗi chỉ thu gom, không sản xuất rau. Tuy nhiên, lượng RAT có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc mới chỉ được tiêu thụ qua 18 DN, 17 hợp tác xã (HTX) cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng 20.000 tấn/năm (chiếm 5% sản lượng RAT toàn TP).
Từ năm 2014 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội duy trì việc phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, HTX, DN tổ chức hàng trăm buổi tham quan, trải nghiệm thực tế tại các vùng sản xuất RAT nhằm nâng cao nhận thức và khả năng nhận diện sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng rau ngay từ vùng sản xuất, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tập huấn quy trình sản xuất RAT cho nông dân, hướng dẫn thực hành ngay tại đồng ruộng. Đồng thời lấy mẫu đất, nước, kiểm nghiệm vùng trồng rau kiểm tra, nếu đạt các tiêu chí, chi cục sẽ đánh giá, cấp giấy chứng nhận chất lượng vùng đủ điều kiện sản xuất RAT. Đáng chú ý, nhờ xây dựng và duy trì tốt các mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo có sự truy xuất nguồn gốc (PGS), nhận thức của nông dân về sản xuất RAT ngày càng được nâng cao.

Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, hiện, HTX có 20 nhóm sản xuất, mỗi nhóm từ 25 – 30 hộ thành viên. Mỗi nhóm lại bầu ra một tổ trưởng đảm nhiệm việc giám sát, quản lý và đảm bảo toàn bộ diện tích rau được trồng theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, mỗi hộ còn được cấp sổ nhật ký đồng ruộng cập nhật đầy đủ thông tin quy trình sản xuất. “Hiệu quả từ việc liên kết các hộ dân trồng RAT theo chuỗi, đúng quy trình giúp sản phẩm của HTX luôn bảo đảm chất lượng và giá cả tiêu thụ ổn định” – ông Minh chia sẻ.

Tiếp tục gỡ khó

Lợi ích từ các chuỗi RAT là không thể phủ nhận, song khâu tiêu thụ sản phẩm RAT vẫn đang gặp khó khăn. Đơn cử như việc các siêu thị khi ký hợp đồng đưa ra những tiêu chuẩn, quy định chỉ phù hợp với các mô hình trồng RAT quy mô lớn. Đây là rào cản rất lớn cho những hộ trồng RAT muốn đưa sản phẩm của mình lên quầy hàng.

Đáng nói, hầu hết các chuỗi RAT chỉ tiêu thụ được một phần nhỏ sản lượng thông qua các hợp đồng với bếp ăn tập thể, siêu thị, còn lại, đa số phải bán buôn, bán lẻ tại chợ dân sinh, không cạnh tranh về giá được với các loại rau thường. Bên cạnh đó, diện tích sản xuất tại các mô hình chuỗi còn nhỏ lẻ, manh mún nên việc kiểm soát chất lượng chưa hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, tại một số địa phương, chính quyền chưa quyết liệt xử lý vi phạm về kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sai quy định. Tại một vài nơi sự liên kết giữa DN, HTX và nông dân chưa chặt chẽ, vai trò của HTX còn mờ nhạt nên lúng túng trong khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm RAT.

Để khắc phục những khó khăn trên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hiện nay, Chi cục đang tiếp tục phối hợp với các địa phương nhân rộng mô hình chuỗi RAT để truy xuất nguồn gốc đến từng hộ. Cùng với đó, đẩy mạnh hỗ trợ tập huấn nông dân, trọng tâm là sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”. Ngoài ra, chi cục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, VSATTP và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. “Để hiệu quả hơn, rất cần vai trò của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền tới người dân, đặc biệt là hướng dẫn nông dân thu gom vỏ bao thuốc BVTV và tập kết đúng nơi quy định” – ông Phương nhấn mạnh.