Rau màu rớt giá, nông dân gặp khó

Ánh Ngọc - Trọng Tùng - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng trăm tấn rau, củ, quả tại các vùng rau địa bàn Hà Nội đang gặp khó trong việc tiêu thụ.

Nông dân đang mong mỏi từng ngày dịch bệnh sớm kết thúc để quỹ đạo sản xuất - tiêu thụ trở lại bình thường.

Giá rẻ, tiêu thụ chậm

Xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) là một trong những vựa rau lớn nhất, nhì Hà Nội. Tại đây, trung bình mỗi ngày bà con nông dân cung ứng cho thị trường khoảng 200 - 300 tấn rau củ quả các loại, đến thời điểm này sức tiêu thụ giảm còn khoảng trên dưới 80 tấn/ngày. Anh Vũ Văn Dương, ở thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) canh tác 4 sào rau ăn lá cho hay, giá rau giảm sâu từ trước Tết kéo dài đến thời điểm này và giá chỉ ở mức 2.000 - 3.000 đồng/kg. Giá giảm sâu, nhưng việc tiêu thụ cũng rất khó khăn do nhu cầu thị trường không cao.
 Nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh thu gom củ cải. Ảnh: Trọng Tùng
Bên cạnh rau ăn lá, hầu hết các loại rau củ, quả khác cũng bị rớt giá. Đơn cử như cà chua mua tại vườn chỉ còn 1.300 đồng/kg, củ cải mua buôn có giá 1.000 - 1.500 đồng/kg, su hào dao động từ 500 - 1.000 đồng/củ... So với thời điểm bình thường trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, mức giá nông sản giảm đến 60 - 70%.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết: “Ngoài xuất khẩu và tiêu thụ tại Hà Nội, các loại rau củ quả của bà con nông dân trên địa bàn cũng được thương lái các tỉnh, TP về thu mua khá nhiều, trong đó có cả người ở Hải Dương. Đợt cách ly y tế đang diễn ra tại tỉnh này cũng ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ…” - ông Đàm Văn Đua lý giải. Riêng đối với củ cải, thời gian qua có tình trạng phải nhổ bỏ vì không tiêu thụ được. Nguyên nhân vẫn là do sức mua giảm khi các trường học, khu công nghiệp… chưa hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, diện tích củ cải bị nhổ bỏ chiếm tỷ lệ không lớn so với tổng diện tích đã cho thu hoạch. Đối tượng bị thiệt hại chính là các tiểu thương, bởi cứ đến thời điểm gần sát thu hoạch, các tiểu thương đã về thu mua cả ruộng từ trước đó. Ngoài ra, trong một năm, bà con nông dân xã Tráng Việt có thể canh tác được tối đa 5 - 6 vụ củ cải. Trừ vụ củ cải sau Tết, những vụ sản xuất khác trong năm vẫn cho năng suất, chất lượng các loại rau màu tốt.

Chặt bỏ làm phân xanh tại ruộng

Rau xanh rẻ, tiêu thụ chậm, nhiều nông dân phải ngậm ngùi chặt bỏ ngay tại ruộng để làm phân xanh, hoặc đem về nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Bên luống cà chua đã đến kỳ chín rộ, nhiều quả chín đỏ rụng đầy gốc, vẻ mặt buồn rầu bà Vương Thị Từ, ở thôn Phương Bản, xã Song Phương (huyện Hoài Đức) chia sẻ, đợt này giá rau rẻ quá, cà chua chỉ bán được 3.000 đồng/kg, thị trường lại tiêu thụ chậm nên không bõ công thu hoạch.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Đức Thành, người đã hơn 30 năm làm nghề trồng rau cho hay, chưa năm nào giá rau lại rẻ như đợt Tết Tân Sửu 2021. Nếu như năm ngoái cũng thời điểm này giá bán được 8.000 đồng/kg thì năm nay khi bắp cải chỉ bán được giá 2.000 đồng/kg. Mức giá này thấp nhất so với nhiều năm trở lại đây. Nhanh tay chặt nhỏ những cây cải bắp quá lứa để làm phân xanh tại ruộng, ông Thành tâm sự: “Gia đình tôi có 2 sào trồng bắp cải, 1 sào đã thu hoạch dịp trước Tết, 1 sào để sau Tết bán nhưng tiêu thụ chậm, giá rẻ như cho nên đành chặt bỏ để làm phân xanh tại ruộng nuôi lứa ngô nếp đang độ 3 lá".

Theo phản ánh của nhiều hộ trồng rau ở Song Phương, sở dĩ giá rau rẻ, tiêu thụ chậm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát đúng dịp Tết Nguyên đán, các trường học, bếp ăn tập thể, quán ăn dừng hoạt động nên lượng rau tiêu thụ rất chậm. Hiện, giá rau (bán buôn tại chợ) đang giảm sâu, cải bắp 2.000 đồng/kg, su hào 1.000 đồng/củ, súp lơ 6.000 đồng/kg. Đáng nói, một số diện tích rau quá lứa, nông dân bất đắc dĩ chọn giải pháp cho hộ nuôi thủy sản làm thức ăn cho cá hoặc băm chặt nhỏ để làm phân xanh tại ruộng, bởi đây là thời điểm khẩn trương thu hoạch lứa rau vụ Đông để chuyển sang canh tác vụ rau mới.

Sản xuất theo chuỗi vẫn “sống khỏe”

Khi những hộ sản xuất cá thể gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, thì tại các chuỗi liên kết lại duy trì hoạt động khá ổn định vào thời điểm này. Tại vùng rau an toàn thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), ông Nguyễn Khắc Đạo, Trưởng nhóm khu sản xuất rau an toàn 2,5ha thôn Tiền Lệ cho biết, 14 hộ sản xuất rau trong nhóm đã tham gia chuỗi liên kết với 5 DN bao tiêu sản phẩm nên trồng rau ổn định quanh năm.
Do sản xuất theo chuỗi giá trị nên lúc thị trường rau khan hiếm hay thời điểm giá rau rẻ như hiện tại, DN vẫn thu mua với giá bình ổn. “Do sản xuất theo kế hoạch cụ thể và căn cứ theo tình hình thị trường nên tránh được tình trạng được mùa mất giá như các hộ sản xuất không có liên kết. Bình thường, nhóm chúng tôi cung cứng ra thị trường thông qua chuỗi 1,5 tấn rau/ngày. Từ sau Mồng 4 Tết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học, bếp ăn tập thể dừng hoạt động nên chúng tôi duy trì sản xuất đủ lượng cung ứng khoảng 500 – 600kg/ngày” - ông Đạo chia sẻ.

Khảo sát tại các vùng trồng rau của Hà Nội cho thấy, giá bán rau giữa các vùng trồng rau an toàn có liên kết theo chuỗi với DN và vùng trồng rau tự phát có sự chênh lệch nhau. Cụ thể, giá súp lơ xanh bán tại các vùng trồng không có liên kết chuỗi là 3.000 đồng/cây, su hào 1.000 đồng/củ, cà chua 3.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các vùng trồng có liên kết chuỗi, giá cao hơn: Súp lơ xanh là 5.000 đồng/cây, su hào 3.000 đồng/củ, cà chua 10.000 đồng/kg, cải bó xôi 10.000/kg…
Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Tiền Lệ Nguyễn Văn Hào, HTX đã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, với hơn 60% số xã viên đăng ký tham gia, tương đương sản lượng rau thu hoạch trên tổng diện tích gần 20ha. Đặc biệt, xã có 5ha rau trồng trong nhà lưới được các đơn vị bao tiêu sản phẩm thu mua ổn định, giữ giá theo hợp đồng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường cho biết, hiện, toàn TP có gần 200 vùng trồng tập trung; 40 chuỗi PGS (áp dụng hệ thống quản lý giám sát chéo trong cộng đồng); số DN ký hợp đồng bao tiêu rau an toàn là 208 đơn vị, với số lượng tiêu thụ trung bình khoảng 42 tấn/ngày.
Tuy nhiên, so với sản lượng rau an toàn của TP sản xuất mỗi ngày cung ứng ra thị trường thì lượng tiêu thụ có hợp đồng vẫn khiêm tốn, khoảng 15 – 20%. Nguyên nhân chính do các vùng trồng rau của Hà Nội chủ yếu quy mô nông hộ, sản lượng nhỏ lẻ. Trong khi đó, các siêu thị, DN phân phối khi ký hợp đồng liên kết đều đưa ra những tiêu chuẩn, quy định phù hợp với các mô hình trồng rau an toàn quy mô lớn.

"Nhận được thông tin một số HTX, trang trại sản xuất trên địa bàn Hà Nội đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, Trung tâm đã đứng ra hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Theo đó, điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân Hà Nội được đặt tại trụ sở của Trung tâm hỗ trợ phát triển Phụ nữ Hà Nội (trụ sở tại số 1 Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Trãi, Hà Đông). Từ ngày 18/2 tới nay, Trung tâm đã hỗ trợ tiêu thụ được 14 tấn rau, củ, quả các loại và trên 30.000 quả trứng gà." - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển Phụ nữ Hà Nội (Hội LHPN TP Hà Nội) Nguyễn Thị Hảo


"Khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết các DN, HTX vẫn đang chủ động tiêu thụ nông sản, chưa xảy ra tình trạng thừa ế cần thiết phải giải cứu. Tuy nhiên thời gian tới, nếu như phải hỗ trợ người dân, DN, hợp tác xã tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa đơn vị sản xuất với DN bán lẻ gồm các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại như Hapro, Fuji mart, Co.op Mart, Big C. Để thực hiện được điều này đòi hỏi các HTX, hộ sản xuất nên thống kê số lượng nông sản dư thừa cần phải giải cứu, để Sở Công Thương Hà Nội xây dựng kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ phù hợp với thực tế." - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan (Lê Nam ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần