Rau sạch Đông Cao từng bước vươn xa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ diện tích đất bãi bồi từng bị bỏ hoang do năng suất cây trồng thấp, những năm qua,...

Kinhtedothi - Từ diện tích đất bãi bồi từng bị bỏ hoang do năng suất cây trồng thấp, những năm qua, người dân thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đã mạnh dạn đầu tư, phát triển vùng chuyên canh rau an toàn. Mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng cải thiện cuộc sống người dân.

Từ một cuộc “di cư”

Là xã ven sông với diện tích đất canh tác chủ yếu là đất bãi bồi, những năm 2000, người dân các thôn, xóm thuộc xã Tráng Việt sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, mía và chuối. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế thấp khiến nhiều người không mấy mặn mà với công việc đồng áng, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang…
Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất rau sạch tại thôn Đông Cao.
Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất rau sạch tại thôn Đông Cao.
Từ năm 2004, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, một số hộ dân thôn Đông Cao đã mạnh dạn vay vốn trồng rau sạch. Gia đình anh Võ Văn Dương (ở xóm 2, thôn Đông Cao) là một trong những hộ đi đầu trong việc trồng rau đất bãi. Ban đầu, gia đình anh trồng các loại cây ăn lá (chủ yếu là rau cải), kế đến là rau lấy củ (củ cải). Với diện tích 8 sào đất trồng rau sạch, hàng năm gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng. Từ một hộ kinh tế khó khăn, gia đình anh Dương không chỉ thoát nghèo mà còn có “của ăn của để”.

Từ một vài hộ ban đầu, đến nay, trên 90% số hộ trong thôn đã mạnh dạn “di cư” ra vùng đất bãi để canh tác rau màu. Ông Đàm Văn Thìn – Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt cho biết, toàn xã hiện có khoảng 300ha đất canh tác nông nghiệp thì có tới 200ha trồng các loại rau sạch, tập trung chủ yếu ở thôn Đông Cao, và một phần ở thôn Tráng Việt. Ngoài rau chủ lực là củ cải (có xuất xứ Hàn Quốc và Nhật Bản), bà con nông dân thôn Đông Cao còn trồng xen canh, luân canh nhiều loại rau màu khác như cải ngồng, ngọt, chíp, cà chua, đậu, đỗ… thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/sào/vụ. Mỗi năm, người dân canh tác được từ 6 – 8 vụ, do đó, nhiều hộ trong thôn có thu nhập từ 150 – 250 triệu đồng/năm.

Đến thương hiệu một vùng rau sạch

Để có sản phẩm rau an toàn, bà con nông dân trong thôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện sản xuất, từ khâu làm đất, cày ải, bón dưỡng cho đất, phun thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và theo quy trình khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội). Để có nguồn nước tưới, 100% hộ dân đã đầu tư máy bơm để lấy nước giếng khoan, đảm bảo nguồn nước tưới sạch, hợp vệ sinh cho rau màu. Đất phù sa màu mỡ kết hợp với kỹ thuật chăm sóc bài bản giúp các loại rau, củ, quả trên vùng đất bãi phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Hiện nay, sản phẩm rau sạch Đông Cao không chỉ cung cấp phổ biến cho địa bàn TP Hà Nội, mà còn được tiêu thụ tốt ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh…

Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau sạch Đông Cao cho biết, điều đáng mừng là mới đây, rau sạch Đông Cao đã được Sở NN&PTNT Hà Nội bảo hộ nhãn hiệu, đầu tư tem và dán nhãn nhận diện chống hàng giả cho thương hiệu rau sạch Đông Cao. Đây là cơ sở thuận lợi, tiền đề quan trọng để rau sạch Đông Cao khẳng định chất lượng, tạo dựng thương hiệu, từng bước vươn xa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần