RCEP "có cửa" hoàn tất nhờ thương chiến Mỹ-Trung dai dẳng?

Tú Anh (Theo Nikkei)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được cho là sẽ thúc đẩy các thành viên ASEAN theo đuổi RCEP trong hội nghị thượng đỉnh cuối tuần này tại Bangkok.

Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ khai mạc tại Bangkok hôm 22/6, tại đây 10 quốc gia thành viên khối dự kiến sẽ tập trung thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với mục tiêu đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay.

 Ảnh minh họa.

Các nhà lãnh đạo châu Á cũng sẽ tập trung thảo luận về chiến tranh thương mại Mỹ- Trung và tìm các lĩnh vực hợp tác về kỹ thuật số.

"Trong hội nghị thượng đỉnh này, chúng tôi đặt mục tiêu kết luận trên cơ sở lập trường duy nhất của ASEAN rằng sẽ hoàn tất đàm phán RCEP vào cuối năm nay", bà Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Đàm phán thương mại Thái Lan cho biết.

RCEP được hình thành vào năm 2012 bởi ASEAN và 6 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương bao gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Tuy nhiên, các đàm phán đã bị bế tắc khi một số quốc gia, như Ấn Độ, vẫn thận trọng về việc mở cửa nền kinh tế và cắt giảm thuế nhập khẩu.

Theo bà Auramon, việc hoàn tất các đàm phán sẽ biến RCEP thành hiệp định thương mại đa phương lớn nhất thế giới hiện nay, với tổng sản phẩm quốc nội kết hợp của các thành viên RCEP tương đương 30% giá trị thương mại toàn cầu.

Bất chấp các cuộc đàm phán kéo dài 7 năm qua, các nhà phân tích cho biết họ đã thấy những dấu hiệu tích cực rằng ASEAN có thể đạt được tiến bộ đáng kể trong vòng đàm phán này.

"Trong hội nghị thượng đỉnh này, họ đã thành lập Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về RCEP đặc biệt, báo hiệu rằng 10 quốc gia thực sự muốn sửa đổi hiệp định này," chuyên gia Piti Srisangnam thuộc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Đại học Chulalongkorn cho biết.

Nhà phân tích này cũng nhận định, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến sự sụt giảm trong xuất khẩu ASEAN, vốn tập trung tư duy của các quốc gia thành viên phụ thuộc vào thương mại để tìm ra cách thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Hơn nữa, Ấn Độ - một trong số các nước đang đàm phán RCEP - cũng có thể cần thay đổi phương thức kinh doanh. Theo truyền thống, Ấn Độ áp dụng chính sách bảo hộ, áp thuế nhập khẩu cao đối với các mặt hàng chính để bảo vệ nông dân. Nhưng điều này hiện có thể thay đổi sau khi Mỹ loại Ấn Độ ra khỏi danh sách Hệ thống ưu tiên tổng quát, có nghĩa là nước này phải đối mặt với thuế xuất khẩu cao hơn sang Mỹ, theo chuyên gia Piti.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã loại bỏ Ấn Độ khỏi hệ thống ưu tiên này, điều đó có nghĩa là gần 2.000 sản phẩm từ New Delhi, bao gồm cả linh kiện ô tô và vật liệu dệt, sẽ phải chịu thuế cao hơn khi nhập vào thị trường Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần