Robot làm nông nghiệp, tại sao không?

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng dụng công nghệ số sẽ là xu hướng chủ đạo của nền nông nghiệp trong tương lai. Trong đó, robot sẽ thay thế người nông dân làm việc ở nhiều công đoạn sản xuất.

 Trồng dưa lưới công nghệ cao tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc
Tại buổi nói chuyện về ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp hiện đại ngày 27/6, TS Sianghee Tan - Tổng Giám đốc CropLife châu Á nhận định, người nông dân hiện nay phải đối mặt với quá nhiều thách thức trên đồng ruộng. Đó là biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, sự lan nhanh của phổ sâu hại, xu hướng dịch chuyển vùng trồng… Bên cạnh đó, dân số ngày càng gia tăng nhưng diện tích đất canh tác gần như không thể mở rộng. “Tình trạng thoát ly, đặc biệt là với thế hệ trẻ dẫn đến chỉ còn người già và phụ nữ làm nông nghiệp” - TS Sianghee Tan.

Điều đáng nói, sản xuất nông nghiệp ở khu vực châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn còn mang nặng tính truyền thống, quy mô canh tác nhỏ, sử dụng sức lao động thủ công còn phổ biến. TS Sianghee Tan lấy ví dụ, việc làm cỏ bằng tay thì phải mất tới 126 giờ/ha, tương đương với đi bộ 10km/ha với tư thế lung còng. Thậm chí nghiên cứu ở một số vùng nông thôn An Giang, Cần Thơ ở Việt Nam, người nông dân gần như dành cả 365 ngày trong năm trên đồng ruộng của mình để sản xuất ra lương thực, thực phẩm.

Những bối cảnh trên, cộng với nhu cầu về lương thực, thực phẩm gia tăng đòi hỏi phải có giải pháp đột phá trong nông nghiệp và đó chính là khoa học công nghệ, cả trong cơ giới hóa sản xuất lẫn công nghệ giống, thuốc bảo vệ thực vật… “Ưng dụng nông nghiệp thông minh đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước châu Á. Ví dụ ở Trung Quốc đang có 20.000 mô hình sử dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp, con số này ở cả khu vực châu Á là 90.000.” – TS Sianghee Tan cho biết.

Theo TS Sianghee Tan, việc ứng dụng công nghệ số, sử dụng robot trong một số khâu của quá trình sản xuất có thể tạo ra bước nhảy vọt trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản, cải thiện thu nhập cho người nông dân. Muốn làm được điều này, cần phải chuẩn bị tốt về hạ tầng và logistics.

Hiện tổ chức Croplife châu Á cũng đang hỗ trợ một số nước triển khai các giải pháp toàn diện về ứng dụng internet vạn vật, thiết bị cảm biến từ xa, thiết bị bay không người lái… trong quản lý trang trại để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.