Robot Mỹ vào trong nhà máy hạt nhân Fukushima

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Robot có tên gọi Packbot đã từ từ tiến vào hai tòa nhà vào ngày hôm qua và đo các chỉ số nhiệt độ, áp suất cùng phóng xạ.

KTĐT - Robot có tên gọi Packbot đã từ từ tiến vào hai tòa nhà vào ngày hôm qua và đo các chỉ số nhiệt độ, áp suất cùng phóng xạ.

Lần đầu tiên trong vòng hơn một tháng kể từ sau thảm họa động đất/sóng thần, robot của Mỹ đã tiến vào bên trong các tòa nhà bị hư hại tại Fukushima, đo được chỉ số phóng xạ cho thấy môi trường bên trong vẫn chứa lượng phóng xạ rất cao.

Công nhân đã không vào bên trong 2 tòa nhà của lò phản ứng số 1 và số 3 ngay từ những ngày đầu tiên sau khi hệ thống làm lạnh của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, ở đông bắc Nhật, bị trận siêu động đất/sóng thần tàn phá. Các vụ nổ khí hydro bên trong cả 2 tòa nhà này trong vài ngày đầu tiên đã khiến mái của các tòa nhà bị sập và làm bụi phóng xạ bay khắp nơi.

 

Robot có tên gọi Packbot đã từ từ tiến vào hai tòa nhà vào ngày hôm qua và đo các chỉ số nhiệt độ, áp suất cùng phóng xạ.

 

Robot được sử dụng tại nhà máy do Bedford, công ty iRobot ở Massachusetts, Mỹ, sản xuất. Di chuyển trên bộ xích sắt giống như một cỗ xe tăng mini, các thiết bị này đã mở ra cánh cửa vốn bị đóng kín suốt hơn một tháng qua tại các tòa nhà bị hư hại và mang về chỉ số phóng xạ lên tới 49 millisieverts/h tại lò phản ứng số 1 và 57 millisieverts/h tại lò số 3.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, giới chức Nhật đã tăng mức phóng xạ cho phép đối với các công nhân hạt nhân lên hơn gấp đôi, lên 250 millisieverts. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ khuyến cáo sơ tán nếu xảy ra rò rỉ phóng xạ 10 millisieverts và công nhân trong ngành hạt nhân Mỹ được phép tiếp cận tối đa 50 millisieverts/năm. Trong khi đó các bác sỹ cho biết con người sẽ bị ốm phóng xạ, như buồn nôn, nôn mửa, nếu bị phơi nhiễm 1.000 millisieverts. 

Robot này sẽ đo thêm các chỉ số nữa và theo Hidehiko Nishiyama, thuộc Cơ quan an toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật (NISA), lượng phóng xạ phải giảm hơn nữa trước khi các công nhân có thể được phép vào bên trong. “Môi trường bên trong vẫn vô cùng khắc nghiệt đối với con người”, ông khẳng định.

 
Dự kiến robot Packbot sẽ tiến vào tòa nhà chứa lò phản ứng số 2 vào ngày hôm nay.

 

Các robot này cùng với trực thăng mini điều khiển từ xa cho phép cơ quan điều hành nhà máy, Tepco, chụp được ảnh và đánh giá được điều kiện trong và quanh nhà máy, trong khi giảm thiểu được nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ của các công nhân.

 

Các quan chức hạt nhân cho hay chỉ số phóng xạ ở lò phản ứng số 1 và số 3 trong Fukushima I do robot Mỹ đo được sẽ không làm thay đổi kế hoạch trước đó của công ty điều hành nhà máy Tepco. Theo lộ trình được công bố ngày hôm qua, Tepco sẽ bình ổn nhà máy trong vòng từ 6-9 tháng.

 

Chánh văn phòng Nội các Nhật Yukio Edano cho biết họ cũng đoán trước là phóng xạ bên trong các tòa nhà sẽ rất cao và ông đảm bảo rằng Tepco đã dự liệu trước được điều này trước khi đưa ra lộ trình bình ổn nhà máy.

 

Quan chức Tepco Takeshi Makigami cho biết robot sẽ mở đường cho các công nhân trở lại các tòa nhà bị hư hại. “Những gì robot có thể thực hiện rất hạn chế. Vì vậy, cuối cùng con người phải đích thân vào bên trong các tòa nhà”, ông Makigami cho hay.

 

Trong khi các công nhân vẫn tiếp tục nỗ lực làm giảm lượng phóng xạ trong nhà máy và ngăn chặn rò rỉ nước phóng xạ ra nước biển, Bộ Quốc phòng Nhật cho hay sẽ cử khoảng 2.500 binh sỹ gia nhập cùng cảnh sát, được trang bị quần áo chống phóng xạ, tìm kiếm các thi thể quanh nhà máy Fukushima I.

 

Ước tính khoảng 1.000 thi thể đã bị chôn vùi trong đống đổ nát của nhà cửa, xe hơi và tàu đánh cá bị sóng thần tàn phá. Cho đến ngày chủ nhật, họ đã xác định được thi thể của 66 người và đưa đi được 63 thi thể.

 

Trận siêu động đất/sóng thần cho đến nay đã khiến hơn 27.000 người thiệt mạng và mất tích.

  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần