Rối bời vì làn sóng bỏ cuộc chơi

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa đầy một tháng nữa, mùa giải mới sẽ bắt đầu. Nhưng đến thời điểm này, nhà tổ chức vẫn đang rối bời bởi hàng loạt đội bóng xin bỏ cuộc chơi khiến kế hoạch thi đấu bị xáo trộn.

Có 10 mất 3

Giải hạng Nhất vốn lâu nay khiêm tốn về số lượng đội tham dự. Dù rất cố gắng động viên các địa phương tham dự giải, nhưng đến cuối mùa giải vừa qua mới chỉ xác định được 10 đội bóng sẽ góp mặt. So với thời đỉnh cao trước năm 2012 có đến 14 đội bóng thì quy mô hiện tại đang bị thu gọn đáng kể.

Đội bóng đá Phú Yên xin rút khỏi giải hạng Nhất.

Các chuyên gia cho rằng, giải hạng Nhất không chịu nhiều khó khăn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Lý do là phần đa các đội bóng được bao cấp và chi phí trong một mùa giải cũng chỉ trên dưới 10 tỷ đồng. Thế nhưng, cách đây không lâu, trong cuộc họp chuẩn bị phương án tổ chức mùa giải mới, VFF tá hỏa khi nhận được thông tin có 2 đội bóng xin được rút lui là Đồng Nai và PVF. Đáng nói, đây đều là những đội bóng mạnh, có nền tảng tốt về nhân lực cũng như tài chính. Thế nhưng, ban lãnh đạo đội bóng quyết định rút lui vì chỉ muốn phát triển bóng đá phong trào hoặc không có chiến lược phát triển bóng đá đỉnh cao.

Mới đây nhất, đến lượt Phú Yên - một đội bóng cũng không quá bạo chi cũng quyết định bỏ cuộc chơi. Lý do họ đưa ra không gì khác là yếu kém về tài chính. Dù đã nỗ lực vận động tài trợ từ các DN đóng trên địa bàn nhưng Phú Yên không thể tìm đủ nguồn tài chính nuôi đội bóng. Cuối cùng, họ quyết định dừng cuộc chơi khiến Ban tổ chức một lần nữa rối bời khi chỉ còn đúng… 7 đội tham dự giải! Nghiệt một nỗi, VPF đến nay vẫn chưa thể xác định làn sóng bỏ cuộc chơi đã chính thức dừng lại chưa?

Sự thật không thể khác

Một loạt đội bóng bỏ cuộc chơi và có thể tiếp tục bỏ cuộc chơi khiến VPF đau đầu. Nỗ lực thành lập VPF để tạo ra nguồn tài chính dồi dào nhằm hỗ trợ trở lại các đội bóng đến nay vẫn nằm trên giấy. Mặc dù VPF đã có những khoản tiền dành cho các đội bóng nhưng nó quá nhỏ so với kinh phí hoạt động hàng năm. Đó là chưa kể đến việc, khoản tiền này bị cắt giảm cho những chuyến du học ở trời Âu mà nhiều chuyên gia cho rằng quá lãng phí.

VPF không thể bơm tiền cứu các đội bóng nghèo bởi cơ chế và khả năng tài chính của họ không cho phép. Nếu muốn cứu thì họ sẽ phải cứu rất nhiều đội bóng. Uy tín của tổ chức này cũng không đủ lớn để có thể khiến lãnh đạo địa phương thay đổi quyết định giữ lại đội bóng. Và thế là họ phải chấp nhận thực tế không thể khác là các đội bóng vốn chưa thể sống được bằng hoạt động kinh doanh bóng đá phải bị khai tử hoặc sống một cách lay lắt, bị động.

Sẽ rất lâu nữa, các đội bóng Việt Nam mới có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Và vấn đề được nhiều người quan tâm lúc này chính là việc, VPF sẽ phản ứng thế nào với cái gọi là sự đã rồi của giải đấu. Họ sẽ đôn các đội bóng ở giải dưới lên thi đấu hay chấp nhận phương án “có sao dùng vậy”. Phương án ban đầu gặp nhiều khó khăn vì VPF phải thay đổi luật. Ngoài ra, họ còn phải nhận được cái gật đầu từ các đội bóng vốn cũng không quá mặn mà với việc… bỗng nhiên được đôn lên hạng! Cái khó của VPF là họ không có nhiều thời gian để tìm ra giải pháp hoàn hảo nhất, bởi mùa giải mới đã cận kề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần