Rời Thủ đô lên rừng trồng rau sạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dẫu đã lên miền Tây Bắc xa xôi tìm chốn lập nghiệp hơn 30 năm nay nhưng sâu thẳm trong trái tim bà Nguyễn Thị Luyến – Giám đốc HTX Rau an toàn (RAT) Tự Nhiên (Mộc Châu – Sơn La) vẫn đau đáu nỗi nhớ về quê hương, một vùng quê yên bình ven sông Hồng thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội.

Xuất phát từ tình cảm sâu nặng ấy, bà đã đứng ra thành lập HTX sản xuất RAT và liên hệ, kết nối đưa nguồn rau sạch về Thủ đô, như một việc trả nghĩa cho quê hương.

Bông hoa đẹp giữa núi rừng

Mộc Châu với màu xanh dịu mát của cây cối và khí hậu trong lành đúng như được mệnh danh là “Đà Lạt của miền Bắc”. Trong sân ngôi nhà khang trang lợp mái tôn màu nâu đỏ ở bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, bà Luyến đang luôn tay luôn chân với công việc, từ phân loại rau quả phục vụ cho chuyến xe xuất hàng về Hà Nội tới kiểm tra sổ sách, giấy tờ. Khi chúng tôi nói tới chức danh “Giám đốc HTX”, bà Luyến xuề xòa xua tay: “Giám đốc” nghe lạ lắm! Không quen! Cứ gọi tôi là Chủ nhiệm HTX hợp tai hơn”. Nói rồi bà cười, khuôn mặt sạm đen đầy những nếp nhăn nhưng vô cùng rạng rỡ.

Tranh thủ những phút nghỉ ngơi hiếm hoi, người phụ nữ ngoài lục tuần hào hứng kể cho chúng tôi nghe về chặng đường dài đến với mô hình làm rau sạch của bà. Năm 1980, khi dự án khơi thông dòng chảy sông Hồng được triển khai, vợ chồng bà Luyến với hai con nhỏ cùng 40 hộ dân bãi giữa sông Hồng ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín lên khai hoang lập bản ở Mộc Châu, Sơn La. Nói về những ngày đầu phát nương làm rẫy, bà Luyến bảo gian nan vô cùng, vì lâu nay chỉ quen làm ruộng trên đất phù sa mềm mịn phẳng lì ven sông Hồng.

Rời Thủ đô lên rừng trồng rau sạch - Ảnh 1

Trên mảnh đất mới, vợ chồng bà lần lượt sinh thêm 4 người con nữa. Đông con, chồng lại là thương binh 1/4 nên kinh tế của gia đình bà lúc bấy giờ vô cùng khó khăn. Năm 2000, được vay 10 triệu đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Hội Phụ nữ xã để phát triển kinh tế gia đình, bà Luyến bắt tay vào trồng rau - thứ cây trồng mà bà vốn đã quen thuộc ở đất Thường Tín. Sau gần chục năm tần tảo sớm khuya chăm bẵm những ruộng rau, bà đã vươn lên thoát nghèo và trở thành tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ trên địa bàn xã. Chăm chỉ lao động vượt khó, bà Luyến được người dân địa phương ví như một bông hoa đẹp khoe sắc giữa núi rừng, là biểu tượng cho phẩm chất truyền thống của người con gái Hà Tây quê lụa hiền hậu, đảm đang, tháo vát.

Trả nghĩa quê hương

Người dân xã Đông Sang còn nhắc đến tên bà Luyến nhiều hơn nữa khi người phụ nữ bé nhỏ ấy mạnh dạn đứng ra thành lập nhóm hộ sản xuất RAT gồm 19 hộ dân với quy mô 7,5ha. Chia sẻ về những ngày đầu bắt tay vào vận hành hoạt động của nhóm, bà Luyến không khỏi bồi hồi khi nghĩ lại chặng đường đầy gian nan, thử thách. Bởi lâu nay, đồng bào dân tộc Thái, Mường, Mông vốn chỉ quen trồng ngô và một vài cây màu khác trên nương rẫy nên việc vận động họ trồng rau theo quy trình VietGAP là chuyện không hề đơn giản. Sẵn vốn kiến thức từ hồi còn ở Thường Tín, lại chịu khó tìm tòi, học hỏi, bà Luyến trở thành đầu tàu truyền thụ kỹ thuật sản xuất RAT cho bà con trong bản. Bà phải thử nghiệm trên chính thửa ruộng của gia đình, rồi lăn xả ngoài ruộng trực tiếp “cầm tay chỉ việc” làm cùng bà con. Mưa dầm thấm lâu, công sức của bà cũng được đền đáp xứng đáng khi nhóm sản xuất RAT đi vào hoạt động ổn định, thu nhập từ cây rau mang lại khấm khá hơn.
 Bà Luyến kiểm tra lô hàng cà chua xuất cho siêu thị Fivimart.
Bà Luyến kiểm tra lô hàng cà chua xuất cho siêu thị Fivimart.
Nếu như trước đây, bà con trồng ngô chỉ thu được 15 – 20 triệu đồng/ha thì nay rau RAT đã cho thu nhập tới 500 – 600 triệu đồng/ha. Chị Nguyễn Thị Ngọc - một hộ sản xuất trong nhóm chia sẻ, với hơn 3 sào ruộng, trước đây gia đình chị thu nhập cả năm nhiều nhất cũng chỉ được 20 triệu đồng. Từ khi tham gia sản xuất RAT, bình quân thu nhập từ trồng rau của gia đình chị đạt 40 - 60 triệu đồng/năm.

Thành công ban đầu đã thôi thúc bà Luyến đứng ra thành lập HTX RAT Tự Nhiên vào tháng 11/2013 với 38 hộ xã viên, diện tích sản xuất gần 14ha. Cái tên Tự Nhiên được lấy từ chính tên xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, nơi chôn rau cắt rốn bà Luyến. Việc thành lập HTX là bước đi cần thiết nhằm kết nối và mở rộng vùng sản xuất RAT trên địa bàn xã Đông Sang, tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo. Nhờ tuân thủ nghiêm túc quy trình, đến nay HTX Tự Nhiên ngày càng đi vào nền nếp. Mỗi hộ được chỉ định có một mã số riêng trong quá trình thu mua, tiêu thụ. Xã viên tiến hành sản xuất rau theo kế hoạch đã thống nhất với các đối tác thu mua từ thời vụ, chủng loại, chất lượng đến hình thức sơ chế, đóng gói, vận chuyển. Đáng mừng là bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu RAT Mộc Châu của HTX nộp lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã được công nhận hợp lệ.
Qua nhiều chuyến khảo sát thực tế, ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, HTX RAT Tự Nhiên hiện là địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn RAT cho thị trường Thủ đô.
Dẫu đã đứng vững trên cao nguyên Mộc Châu đầy gian khó, nhưng trái tim của người phụ nữ vùng bãi sông Hồng lúc nào cũng nhớ về quê hương. Mỗi lần có dịp về quê hay theo dõi trên báo đài, biết được người dân Thủ đô rất cần nguồn cung cấp rau sạch, bà Luyến trăn trở suy nghĩ: “Đã đến lúc trả nghĩa cho quê hương”. Thế rồi, bà chạy đôn chạy đáo tìm mối hàng đưa rau sạch về Hà Nội. Bà bảo, ước muốn của bà là người dân được ăn sản phẩm an toàn. Qua nhiều kênh thông tin, nhất là sự kết nối tích cực của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, đến nay, bà Luyến đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm RAT Mộc Châu tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội như Fivimart, BigGreen, Metro… Chủng loại rau khá đa dạng với gần 30 loại rau khác nhau, trong đó có những loại rau thị trường Hà Nội có nhu cầu lớn như cà chua, cải bắp, cải mèo, đậu trạch, dưa chuột, su hào. Đến nay, tổng khối lượng rau của HTX tiêu thụ tại Hà Nội mỗi năm đạt trên 200 tấn, lợi nhuận thu về trên 500 triệu đồng.
Cung cấp rau sạch cho Thủ đô đã trở thành cầu nối tạo điều kiện để bà Nguyễn Thị Luyến có thêm nhiều chuyến về thăm quê hơn. Mỗi lần về, bà lại tranh thủ tìm hiểu thêm về nhu cầu tiêu dùng của thị trường Hà Nội để từ đó có sự điều chỉnh kịp thời trong sản xuất. Tiễn chúng tôi ra cổng, bà Luyến lại rưng rưng xúc động nhớ về quê hương. Dẫu đi xa hơn 30 năm, với bà, Hà Nội vẫn gần gũi, quen thuộc và thân thương. Bà thật thà kể: “Có hôm xuống Hà Nội họp, người ta có sắp xếp cho ở khách sạn nhưng tôi bảo về ngủ với u cho đỡ nhớ!”…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần