Rơi tự do theo giá dầu thế giới, chứng khoán Mỹ ghi nhận một tuần sụt giảm

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ có tuần suy giảm đầu tiên trong 3 tuần gần đây giữa lo ngại về giá dầu mỏ và thông tin về thuốc điều trị bệnh Covid-19.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 24/4 nhờ đà phục hồi nhẹ của giá dầu và giới đầu tư cân nhắc triển vọng về hiệu quả điều trị thuốc điều trị Covid-19 tiềm năng của công ty Gilead Sciences.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/4, chỉ số Dow Jones tăng 260,01 điểm (tương đương 1,1%) lên 23.775,27 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích 1,4% lên 2.836,74 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,7% lên 8,634.52 điểm. Công nghệ là lĩnh vực có thành quả giao dịch tốt nhất thuộc S&P 500, nhảy vọt 2,1% khi cổ phiếu Apple nhích hơn 2%.
Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên sau 2 tuần tăng liên tiếp.
Tuy nhiên, tính chung trong tuần, chỉ số Dow Jones sụt 1,9%, còn S&P 500 giảm hơn 1%. Nasdaq Composite giảm 0,2% trong tuần này. Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall chứng kiến tuần lao dốc đầu tiên trong 3 tuần gần đây.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu ngọt nhẹ WTI tương lai nhảy vọt 2,7% lên 16,94 USD/thùng trong bối cảnh hy vọng Mỹ sẽ cắt giảm sản lượng để giải quyết vấn đề nhu cầu suy giảm và khả năng lưu trữ bị thu hẹp. Tuy nhiên, tính chung trong tuần, gía dầu ngọt nhẹ WTI vẫn lao dốc hơn 30%. Giá mặt hàng dầu này giao tháng 5 đã lần đầu tiên trong lịch giảm về mức âm trong phiên 20/4.
Ông Tom Essaye, người sáng lập công ty tư vấn The Sevens Report nhận định: "Trong tương lai, yếu tố quan trọng vẫn hoàn toàn là nhu cầu dầu thô, và cho đến nay hầu như chưa có bằng chứng nào cho thấy tăng trưởng tiêu dùng sẽ sớm hồi phục".
Thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh trong phiên giao dịch trước đó sau khi tờ Financial Times dẫn tài liệu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố về một cuộc thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc, cho biết thuốc Remdesivir của công ty công nghệ sinh học Gilead Sciences không có tác dụng cải thiện tình trạng của bệnh nhân Covid-19.
Phản hồi thông tin mà Financial Times mới đăng tải, công ty Gilead cho biết: "Cuộc thử nghiệm tại Trung Quốc bị kết thúc sớm do có quá ít người tham gia thử nghiệm, vì vậy nó không thể cho ra những kết quả có ý nghĩa thống kê. Các xu thế trong dữ liệu cho thấy có lợi ích tiềm năng của Remdesivir, đặc biệt là với những bệnh nhân điều trị ở giai đoạn đầu, tuy nhiên các phát hiện của nghiên cứu này không mang tính kết luận".
Nhà cựu quản lý quỹ và dẫn chương trình Jim Cramer của kênh CNBC bày tỏ sự hoài nghi về kết quả cuộc thử nghiệm tại Trung Quốc và khuyên các  nhà đầu tư đợi kết quả nghiên cứu thực hiện tại Mỹ.
Ngày 24/4, hãng tin Reuters cho biết một cuộc thử nghiệm thuốc Remdesivir do chính phủ Mỹ thực hiện đang diễn ra nhanh hơn so với dự kiến và có thể cho ra kết quả vào giữa tháng 5. Các phát hiện sơ bộ có thể còn được công bố sớm hơn. Chốt phiên giao dịch ngày 24/4, giá cổ phiếu Gilead tăng hơn 2% sau khi sụt 4,3% trong phiên trước đó.
Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã chi phối tâm lý thị trường trong những tháng đầu năm 2020 khi nhà đầu tư cổ phiếu cân nhắc những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế lớn nhất thế giới nói riên.
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận hơn 2,7 triệu ca nhiễm bệnh Covid-19, riêng Mỹ có hơn 800.000 người mắc virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ có dấu hiệu cải thiện đã giúp sàn Phố Wall khởi sắc từ mức đáy xác lập vào ngày 23/3/2020. Nhờ đà phục hồi này, các chỉ số chính đã bứt phá hơn 25% từ cuối tháng 3/2020.
Để hạn chế tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế, chính phủ Mỹ đã tung ra các gói kích thích tiền tệ và tài khóa chưa từng có tiền lệ, bao gồm chương trình mua tài sản có kết thúc mở từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/4 đã ký thông qua dự luật trị giá 484 tỷ USD nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và các bệnh viện đang phải chịu sức ép lớn của dịch bệnh Covid-19 khiến hơn 50.000 người Mỹ tử vong, cũng như tăng cường năng lực xét nghiệm.
Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ liên bang nhằm giúp các DN giảm thiểu các tác động của dịch bệnh Covid-19 khi phải đóng cửa hoặc thay đổi hoạt động để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Chỉ trong hơn 5 tuần qua, số người Mỹ mất việc làm đã lên tới 26 triệu người, tương đương cứ 6 người dân Mỹ thì một người không có việc làm./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần