Rộn ràng các hoạt động vui xuân tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT – Lãnh đạo Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, trong 3 ngày (từ mùng 4 đến mùng 6 Tết Tân Mão), tại đây sẽ diễn ra một loạt các hoạt động văn hóa dân gian mừng xuân mới.

KTĐT – Lãnh đạo Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, trong 3 ngày (từ mùng 4 đến mùng 6 Tết Tân Mão), tại đây sẽ diễn ra một loạt các hoạt động văn hóa dân gian mừng xuân mới.

Đa dạng sắc màu văn hóa

Trong 3 ngày Tết, tại đây sẽ hội tụ những sinh hoạt văn hoá dân gian của gần 10 tộc người ở Việt Nam. Đặc biệt, lần đầu tiên những người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận, những người Dao Lô gang và người Na Miẻo ở tỉnh Lạng Sơn đến trình diễn văn hoá của mình.

Chương trình gồm 4 phần hoạt động diễn ra đồng thời. Đó là trình diễn nghệ thuật dân gian, với những sắc thái đa dạng: Diễn tấu cồng chiêng và múa tập thể của người Raglai; âm nhạc mừng năm mới, cầu an, cầu mùa của các tộc Na Miẻo, Tày và Dao Lô gang; điệu múa sư tử của người Nùng; điệu múa sạp của người Thái; các điệu hát giao duyên của người Tày, Nùng, Na Miẻo, Dao Lô gang và Raglai. Bên cạnh đó, còn có thư pháp, múa rối nước, nghệ thuật tranh Đông Hồ.

Các em nhỏ sẽ thích thú với hơn 20 trò chơi khác nhau, từ những trò quen thuộc của người Việt như đáo mẹt, đáo cọc, đáo đĩa, pháo đất, kéo co, đánh đu, đấu vật, đẩy lưng, “chọi trâu”, ô ăn quan, cờ toán, kia - nọ; tại đây còn có những trò của các dân tộc thiểu số như trò mả mú sứa, tỏ hốn tá lòn, pa mạ na ố và tỏ mạ mằng (Thái), ném còn (Tày, Nùng, Thái), cầu lông gà (Hmông, Thái, Pà Thẻn), đẩy gậy và nhảy bao bố (Nùng, Tày, Việt), đi cà kheo (Hmông, Tày, Nùng, Việt), cờ gánh (Việt, Thái), đánh quay (Dao, Tày, Nùng, Hmông, Việt).                                                   

Không những thế, các em nhỏ và gia đình có cơ hội trải nghiệm làm nhiều loại đồ chơi dân dã như chong chóng, tò he, hoa quả bằng bột, tô vẽ mặt nạ, trang trí con giống giấy bồi và 12 con giáp nặn bằng đất. Ngoài ra, ai cũng có thể được hướng dẫn làm thử những loại hoa giấy để trang trí.

Ngoài ra, khu ẩm thực Tày sẽ mang đến những hương vị cổ truyền của người Tày như lợn quay lá móc mật, thịt trâu khô xào chua ngọt, lạp xường treo gác bếp, xôi cẩm, bánh pẻng khô, bánh cóc mò, bánh khẩu si, rượu men lá…

150 tình nguyện viên là học sinh, sinh viên

Bảo tàng Dân tộc học VN cho biết, để phục vụ du khách trong chương trình Vui xuân Tân Mão – 2011, cùng với đội ngũ cán bộ nhân viên Bảo tàng, có hơn 90 người đến từ 6 tộc người khác nhau và khoảng 150 tình nguyện viên là học sinh, sinh viên ở Hà Nội cùng tham gia. Đây đều là những bạn trẻ, yêu thích và nhiệt tình tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa.

Chương trình này, cùng với hai khu trưng bày thường xuyên và hai trưng bày chuyên đề hiện hữu, Bảo tàng trở thành địa chỉ lý thú, có nhiều lựa chọn, để du khách thưởng thức, trải nghiệm, khám phá về văn hoá Việt Nam trong dịp đi chơi đầu năm mới. Đây còn là dịp quảng bá và bảo tồn vốn văn hoá cổ truyền quý báu của các dân tộc ở Việt Nam cho người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Năm 2010 vừa qua, Bảo tàng DTHVN đã đón hơn 410.600 lượt khách tham quan, trong đó khách Việt Nam chiếm gần 63% (gần 258.500 lượt người) và khách nước ngoài chiếm hơn 37% (hơn 152.000 lượt người). Sinh viên chiếm gần 40% số khách trong nước và đây là đối tượng công chúng quan trọng của Bảo tàng từ nhiều năm nay.