Rộng mở việc làm ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí

Hồng Thủy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí của Đại học (ĐH) Công nghiệp Dệt may Hà Nội được xây dựng hướng tới đáp ứng nhu cầu xã hội và xu thế phát triển trong thời đại công nghệ mới.

 Rộng mở việc làm ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí
Năm nay, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên trình độ ĐH cho ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí. Dựa trên lợi thế đào tạo nhân lực cho ngành dệt may Việt Nam, nên chương trình ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí được xây dựng theo 2 hướng chuyên ngành: Cơ khí may và Công nghệ kỹ thuật cơ khí. Theo cô Bùi Thị Thu – Phó Trưởng khoa Cơ điện của trường, ngành này rất hấp dẫn, cuốn hút, vị trí công việc được mở rộng. Để ý sẽ thấy bất cứ chỗ nào, việc gì, các sự vật hiện tượng vật lý diễn ra xung quanh mình đều gắn với công nghệ cơ khí. Đó thực sự là một lĩnh vực rộng lớn để khám phá và khai thác, những ai yêu mến ngành này sẽ cảm nhận được sự lý thú, đa dạng và hấp dẫn của lĩnh vực. Để giúp người học trải nghiệm sự thú vị của ngành này, nhà trường xây dựng chương trình gồm 44% thời lượng đào tạo lý thuyết, 56% thực hành và thực tập. Từ năm học thứ hai, sinh viên bắt đầu tiếp cận với thực tập và kiến thức chuyên ngành, trải đều liên tục đến hết năm thứ tư.
Hơn nữa, đề cương chi tiết các học phần trong chương trình đào tạo chuyên ngành đều có những nội dung và thời lượng cho sinh viên đi tìm hiểu, tiếp cận thực tế sản xuất, gia công tại các DN, công ty ngay từ đầu năm học thứ ba. Qua đây, sinh viên vừa có cái nhìn thực tế trong sản xuất, đồng thời xác định được nhu cầu làm việc cũng như biết được những đòi hỏi của từng vị trí việc làm để củng cố kiến thức ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ đó, các em sẽ có giải pháp trang bị kiến thức, kỹ năng cho bản thân dưới sự trợ giúp của giảng viên.
Hiện nay, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội đang phối hợp với các DN, thậm chí liên kết với những công ty có vốn đầu tư nước ngoài để sinh viên sau khi được trang bị 1/3 kỹ năng chuyên ngành được đến thực tập tay nghề và làm thêm. Đồng thời được đào tạo một số kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý… tại các công ty. Chính vì thế, trong chương trình đào tạo, nhà trường chỉ bố trí tiến độ 2 kỳ/năm (không có học kỳ phụ) để các em có thời gian được trải nghiệm tại các DN. Do đó, nếu sinh viên tích cực chủ động, trong 2 năm cuối sẽ có rất nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cũng như kiến thức thực tế.