Rừng lộc vừng 400 năm tuổi độc nhất vô nhị

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nếu đem so với mức độ “chảy máu” của các cánh rừng vùng thượng lưu biên viễn, sự tồn tại và sinh sôi trù phú của hai hecta rừng lộc vừng 400 năm tuổi giữa vùng vời đất chật người đông này là một cái lạ, lạ đến khó tin!

KTĐT -  Nếu đem so với mức độ “chảy máu” của các cánh rừng vùng thượng lưu biên viễn, sự tồn tại và sinh sôi trù phú của hai hecta rừng lộc vừng 400 năm tuổi giữa vùng vời đất chật người đông này là một cái lạ, lạ đến khó tin!

Báu vật giữa vùng vời

 

Nói về không gian địa lý, làng Phú Thọ (xã An Thủy - LệThủy - Quảng Bình) bé tựa lòng bàn tay với chỉ 236 ha đất mà có tới gần 450 hộ với 1.800 con người sinh sống. Thế nhưng vùng vời (vùng đất ngập nước ven sông) ở ngã ba sông Kiến Giang với hơn 2 ha rừng lộc vừng vẫn là mảnh đất thiêng mà dân làng coi như nơi bất khả xâm phạm.
 
Rừng lộc vừng 400 năm tuổi độc nhất vô nhị - Ảnh 1
Rừng lộc vừng độc nhất vô nhị của làng Phú Thọ nằm giữa vùng vời bốn bề ngập nước

 

Cánh rừng 400 năm tuổi này tồn tại như một chứng nhân lịch sử của một mảnh đất sinh ra nhiều vĩ nhân và chứng kiến nhiều biến động lịch sử từ thời phong kiến đến hai cuộc kháng chiến tìm hình đất nước. Rừng cây có trên nghìn gốc, trong đó độ 300 cây có đường kính trên dưới một mét.

 

Ông Lê Văn Tiến - Trưởng thôn - tính sơ sơ: nếu (nói dại) đem ngần ấy gốc lộc vừng đi bán cho các đại gia và các nhà chơi cây cảnh thì làng thu về ngót nghét vài chục tỷ. Tính là tính chơi vậy, chứ dân Phú Thọ chẳng ai dám nghĩ đào lộc vừng đem bán.

 

Trước mắt tôi, rừng lộc vừng cổ thụ với hàng nghìn gốc lớn nhỏ rặt một màu xanh mướt. Rừng lộc vừng sinh ra giữa vùng vời ven sông bốn mùa ngập nước. Mùa này, lộc vừng trổ quả, buông xõa những chuỗi hạt dài đu đưa theo gió xuân, mê mẩn mắt người. Chồi lộc vừng đùn lên từ nước, được nước Kiến Giang nuôi dưỡng, phù sa Kiến Giang đắp bồi nên ngày một tốt tươi, dày dặn trong sự ngưỡng mộ của du khách và sự thèm thuồng của dân chơi cây cảnh.

 

Lộc vừng già, vỏ xù xì, cành chằng chịt, thế trực tự nhiên không “dao kéo” nên càng gợi sự trầm mặc, hoang sơ đối nghịch hoàn toàn với nhịp sống đô hội đã len lỏi về mảnh làng ven sông này. Xuân đến, rừng lộc vừng xanh mướt chồi non. Thu về, rừng thay lá, nhuốm rặt một màu đỏ úa. Nếu đem so với những cánh rừng vùng thượng nguồn, biên viễn vẫn ngày đêm chảy máu trong tay lâm tặc thì sẽ thấy kỳ lạ khi một khối rừng hàng chục tỷ ngày càng trù phú nằm giữa vùng ven sông chật hẹp ngay cạnh Trung tâm huyện.

 

Theo nhiều cao niên trong làng, rừng lộc vừng được tiền nhân làng Phú Thọtrồng khoảng 400 năm trước. Khi lập làng đã có lộc vừng. Rừng được trồng che gió, chắn sóng Kiến Giang bảo vệ làng vào mùa nước nổi. Rừng còn lànơi nghỉ chân của người dân sau những giờ làm việc đồng áng, đánh lưới trên sông. Cao niên Phú Thọ nói rằng, làng có thế con rồng bay lên, với đầu rồng nằm ở mũi Viết, thân rồng uốn lượn theo bờ Kiến Giang và vị trí rừng lộc vừng nằm ngay rốn rồng. Chính vì thế, rừng lộc vừng có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, gắn với sự còn mất, thịnh suy của làng.
 
Rừng lộc vừng 400 năm tuổi độc nhất vô nhị - Ảnh 2
Một góc Kiến Giang, dòng sông đang ngày đêm nuôi dưỡng cánh rừng lộc vừng cổ thụ.

 

Qua 400 năm tồn tại, rừng lộc vừng Phú Thọ đã trở thành nhân chứng sống của nhiều biến cố lịch sử. Bí thưĐảng bộ bộ phận Phú Thọ - ông Châu Văn Sơn kể: Theo các văn tự thời trước của làng, trong kháng chiến chống Pháp ở vùng Lệ Thủy có đồn giặc ở An Lạc cai trị dân dữ dằn. Phong trào chống Pháp nổi lên mạnh mẽ, du kích làng thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng lộc vừng đánh Pháp nhiều trận táo bạo. Đồn An Lạc thấy vậy bèn xua quân đến, chặt phá nát cánh rừng. Ấy vậy mà những gốc còn lại được phù sa nuôi dưỡng lại tái sinh mãnh liệt, trở lại hùng vĩ như ngày nay. Sự kiện đó còn được rừng lộc vừng lưu giữ trên thân mình, bằng những vết dao chặt chi chít và những gốc cây có dăm ba nhánh đâm lên từ thân cây bị phạt ngang.

 

Rừng giữ làng, làng giữ rừng

 

Ngày trước, cây lộc vừng chẳng mấy quý giá. Có chăng, dân ta đem chồi cây lộc vừng mà kẹp với cá sông ăn thìngon thấu tủy, chả thế mà dân Quảng Bình có câu “cá lẹp mà kẹp rau mưng” (phương ngữ Bắc Trung Bộ gọi cây lộc vừng là cây mưng). Nhưng độ chục năm trở lại đây, phong trào chơi lộc vừng rộ lên. Dân chơi cây cảnh và các đại gia miền Bắc, miền Trung coi lộc vừng là cây phát tài, phát lộc. Vì thế mà hầu hết các công sở, nhà hàng, sân vườn của người giàu đều có cây lộc vừng. Đã có những gốc lộc vừng cổ thụ thế đẹp được bán giá tiền tỷ. Cây “rau mưng” ngày cũ thành một loại cây cảnh thời thượng, công cuộc giữ rừng cũng vì thế mà gian nan.

 

Ông Trưởng thôn nhớ lại: mấy năm trước, có một doanh nghiệp lớn muốn xin làng vài cây, hứa sẽ xây cho làng một công trình to để đổi. Nhưng họ chỉ nhận được cái lắc đầu, bởi cây lộc vừng đã trở thành một phần máu thịt của người Phú Thọ. Trong Hương ước làng Phú Thọ có ghi rõ về việc bảo vệ rừng lộc vừng, mấy năm trước huyện Lệ Thủy cũng có hẳn một nghị quyết về bảo vệ rừng lộc vừng. Mọi quyết sách liên quan đến cánh rừng này đều phải được dân làng thông qua, trở thành một “việc làng” đúng nghĩa.

 

Làng cắt cử một ban bảo vệ rừng với nòng cốt là Hội Cựu chiến binh, công an viên phụ trách thôn và tổ bảo vệ đồng. Ngày nào ban cũng có người tuần tra luân phiên. Họp làng, ban cán sự thôn không lúc nào quên nhắc nhở người dân gìn giữ báu vật của làng trước sự nhòm ngó ngày một nhiều của những tay săn cây cảnh hám tiền. Hồi đầu năm, một người trong làng đã cấu kết với một nhóm người mua cây cảnh và cuốc xẻng đào trộm một gốc lộc vừng. Đang đào thì bị phát hiện, lập biên bản và người này sau đó bị làng đem ra kiểm điểm trước dân, buộc cam kết không tái phạm mới được về. Ban này chẳng có một xu tiền công bảo vệ rừng, nhưng với họ, được dân làng tín nhiệm giao bảo vệ rừng - cũng là bảo vệ linh hồn làng - đã là một vinh dự. Hơn nữa, giặc Pháp còn không giệt được rừng, chẳng nhẽ con cháu làng Phú Thọ để mất rừng thì mặt mũi đâu mà nhìn về tiên tổ!
 
Rừng lộc vừng 400 năm tuổi độc nhất vô nhị - Ảnh 3
Anh Nguyễn Tư Tâm với gốc lộc vừng thế trực tự nhiên được đánh giá cao khi trưng bày trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

 

Thêm một điều vui cho người Phú Thọ là hiện nay những hạt lộc vừng từ các gốc cổ thụ đã được nhiều người ươm thành cây giống để cung cấp cho các trang trại cây cảnh. Điều đó không chỉ làm giảmáp lực của công tác giữ rừng, mà còn đưa cây lộc vừng Phú Thọ đến với người đời.

 

Ở Lệ Thủy có anh Nguyễn Tư Tâm là người tiên phong ươm giống lộc vừng từ hạt lấy ở rừng Phú Thọ. Sau gốc “Lộc vừng thế trực tự nhiên” được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận là tác phẩm xuất sắc, chọn trưng bày trong dịp Đại lễ 1.000 Thăng Long - Hà Nội, anh Tâm đã ươm thành công 30.000 cây lộc vừng và dự định đem nhân giống loài cây hạp nước này ở những vùng vời khác. Biết đâu, vài chục hoặc vài trăm năm nữa, báu vật của làng Phú Thọ sẽ mang lộc đến cho những làng nông - ngư khác trên mảnh đất chiêm trũng nghèo khó địa linh nhân kiệt này.