Rượu bia, thời gian và bệnh tật

Khánh Gia
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ, thể hiện qua 3 tiêu chí (mức tiêu thụ, mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia và tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại).

Nếu quy đổi rượu, bia ra cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hàng năm đã lên mức khoảng 8,3 lít, đứng vị trí 64/194 nước. Trong khi đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh và cao hơn từ rượu. Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á, sau Nhật Bản, Trung Quốc. Bình quân hàng năm mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Không cần là một nhà quan sát xã hội tinh mắt, nhiều người cũng thấy rằng ở nước ta: “Vui uống rượu bia là đương nhiên, buồn uống là tất nhiên”. Một số liệu thống kê rất đáng phải suy ngẫm, đó là ước tính mỗi năm cả nước chi hết 4 tỷ USD để dùng đồ uống có cồn trong khi GDP chỉ hơn 100 tỷ USD.

Thực trạng sử dụng rượu, bia đã trở thành vấn nạn khi người ta luôn tìm ra những lý do chính đáng để tổ chức nhậu với nhau. Và đằng sau những bữa nhậu đó là vô vàn hậu quả. Rất nhiều ẩn ức xã hội bị dồn nén. Nhẹ thì những người thân của bợm nhậu phải hứng chịu vì tình trạng bạo lực gia đình. Nặng thì xã hội phải gánh chịu khi số liệu về tai nạn giao thông liên tục gia tăng. Cũng có không ít vụ mất trật tự xã hội, án mạng liên quan đến rượu, bia. Ngoài là nguyên nhân của những bất ổn xã hội, rượu, bia còn kéo theo không ít những hệ lụy nếu biết rằng Việt Nam nằm trong nhóm tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới, cũng một phần nguyên nhân vì uống rượu.

Hậu quả đã thấy rõ nhưng ở nhiều nhà hàng, quán ăn, cứ giờ nghỉ trưa, hay cuối giờ chiều, các quán nhậu luôn chật ních người, trong đó không ít là công chức, viên chức, nhân viên tại các cơ quan, đơn vị, DN. Gặp nhau dẫu chẳng muốn nhưng say vì phải mời mọc nhau, lượt đi, lượt về cho… “phải đạo”. Sẽ có nhiều người thắc mắc, để nhậu được triền miên như hiện nay thì người ta phải có hai yếu tố, một là thời gian, hai là tiền. Vậy thời gian họ lấy ở đâu ra, nếu là công chức Nhà nước thì họ sẽ ăn bớt thời gian làm việc, vi phạm quy chế lao động. Đây cũng là một dạng tham nhũng cần phải xử lý triệt để. Còn nếu là những công dân của gia đình, họ đang trốn việc, đẩy gánh nặng việc nhà cho người thân.

Cầu lớn đồng nghĩa với việc kinh doanh rượu, bia đang phát đạt và là một nghề siêu lợi nhuận. Mặc dù mặt hàng này đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng theo tính toán lợi nhuận không dưới 28%. Chính vì lợi nhuận mà người ta bất chấp để buôn bán rượu bia. Bất cứ quán tạp hóa nào cũng mua được rượu, bất cứ hàng quán nào từ bình dân đến cao cấp, khách gọi rượu là có uống không hạn chế. Trong khi tình trạng buôn bán, sử dụng rượu bia như đã nói trên vẫn tràn lan thì việc kiểm soát vẫn đang bị thả nổi, chưa có một hệ thống luật pháp hoàn chỉnh để hướng dẫn giám sát người dân sử dụng rượu bia.

Do đó, với việc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được người dân mong chờ sẽ giúp việc phòng, chống tác hại của rượu, bia hiệu quả hơn. Nó không chỉ liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội mà còn tác động trực tiếp đến nhiều gia đình giúp giảm đi những nỗi đau bạo lực, chứng kiến cảnh người thân bị tai nạn, bệnh tật do tác hại của rượu, bia gây ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần