Rút một số dự án luật ra khỏi chương trình phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 23 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chưa cho ý kiến nhiều dự án luật
Phiên họp thứ 23 được tiến hành từ ngày 10/4 đến ngày 17/4/2018, với nhiều nội dung quan trọng sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chương trình phiên họp thứ 23 có sự điều chỉnh nhiều nội dung so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, rút khỏi phiên họp 3 dự án luật bao gồm: Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Dược, An toàn thực phẩm, Phòng, chống tác hại thuốc lá, Điện lực, Hóa chất, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Khoa học và Công nghệ, Trẻ em, Công chứng, Đầu tư.

Qua đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo các bộ ngành có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và các cơ quan của Quốc hội bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các nội dung trước khi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình phiên họp để tránh việc phải điều chỉnh, bổ sung vào và rút ra như thời gian vừa qua cũng như tại phiên họp này.

Ngoài ra, có 2 nội dung cũng rút ra khỏi chương trình phiên họp đó là dự án luật Dân số vì cần có thời gian chuẩn bị để tiếp tục hoàn thiện thêm và đề án thành lập 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được chuyển sang phiên họp Ủy ban Thường vụ sau khi Quốc hội thông qua luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5 để có căn cứ pháp lý chính thức cho việc hoàn thiện đề án.
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình dự án Luật Cảnh sát biển. Ảnh: VGP.
Xác định rõ địa vị pháp lý của Cảnh sát biển

Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Ty.

Dự án Luật Cảnh sát biển được xây dựng gồm 8 Chương, 49 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam.

Luật áp dụng đối với Cảnh sát biển Việt Nam; cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.

Nói về tính cấp bách và cần thiết về Luật Cảnh sát biển, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thông tin, hiện nay văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về Cảnh sát biển mới là pháp lệnh, nên hiệu lực thi hành chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh đó, pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết thêm, việc ban hành Luật Cảnh sát biển cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng chiến lược biển đến năm 2020, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển.

Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn về địa vị pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam. Cần nghiên cứu phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng khác trên biển, tránh chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, đây là lực lượng chấp pháp trên biển, vì vậy, địa vị pháp lý, chức năng của lực lượng cần quan tâm bảo đảm theo các thông lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Tiếp đó, các đại biểu đã cho ý kiến các vấn đề cần làm rõ tại Điều 4 (khoản 1) của dự án Luật về quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân”; Điều 5 (khoản 1) về quy định "Cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ"...

Ngoài ra, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam; việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng này.