Rút ngắn thời gian kiểm soát chi

Chia sẻ Zalo

Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã và đang triển khai một số Đề án nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu thanh toán của khách hàng, hướng tới hình thành Kho bạc điện tử trong tương lai.

Cắt giảm thủ tục kiểm soát

Theo Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Việt Hồng, trong thời gian qua, KBNN đã chủ động từng bước cải cách công tác kiểm soát chi NSNN nhằm tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị sử dụng NSNN như: Triển khai hình thức giao dịch “một cửa” với cán bộ kiểm soát chi trực tiếp hướng dẫn, giao dịch, trả kết quả với chủ đầu tư. Từ đó, giảm bớt khâu trung gian giữa cán bộ kiểm soát chi và chủ đầu tư (đơn vị sử dụng ngân sách), rút ngắn thời gian thanh toán, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đơn giản hoá thủ tục; Thực hiện tiến hành đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ chứng từ trong kiểm soát chi thường xuyên. Theo đó, thời gian kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản xuống còn 3 ngày làm việc (trước đây là 5 ngày đối với thanh toán trước, kiểm soát sau; 7 ngày đối với kiểm soát trước, thanh toán sau). Qua đó đáp ứng nhanh hơn, kịp thời hơn yêu cầu thanh toán của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Cùng với việc giảm bớt khâu trung gian trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho khách hàng, KBNN đã triển khai thí điểm cung cấp 3 dịch vụ công trực tuyến là các hoạt động khai báo giao nhận hồ sơ và giao dịch một cửa; giao diện thông tin yêu cầu thanh toán, chương trình kê khai yêu cầu thanh toán qua mạng, đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN.

Theo đánh giá của Giám đốc KBNN Hà Nội Đào Thái Phúc (đơn vị được giao thí điểm triển khai), việc triển khai các dịch vụ công này đã góp phần minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tiết kiệm thời gian, công sức cho các đơn vị, cá nhân hơn trong quá trình giao dịch với KBNN cũng như giảm khối lượng công việc thủ công cho cơ quan quản lý. Đây sẽ là tiền đề cho việc triển khai hiện đại hóa công tác kiểm soát chi NSNN của hệ thống KBNN, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử. Bên cạnh đó, KBNN Hà Nội cũng được chọn triển khai thí điểm thanh toán qua Thẻ chi tiêu công đối với các khoản mua sắm sử dụng vốn NSNN (trừ các khoản mua sắm phải tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu), thí điểm thanh toán qua Thẻ chi tiêu công đối với các đoàn đi công tác nước ngoài nhằm giảm lượng tiền mặt thanh toán qua Kho bạc.

Những tác động tích cực của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, tạo thuận lợi cho khách hàng không chỉ nhìn thấy tại các thành phố lớn mà lan tỏa tới các đơn vị “đóng chân” ở vùng khó khăn.

Theo chia sẻ của Phó Giám đốc KBNN Đắk Lắk, Trà Minh Trợ, với doanh số hoạt động của đơn vị xấp xỉ 210 nghìn tỷ đồng/năm, gần 3.000 đơn vị giao dịch trên tổng số 15.600 tài khoản nhưng nhờ việc cải cách thủ tục, hiện đại hóa công tác thu- chi đã góp phần giảm thiểu thời gian thanh toán cho khách hàng, cũng như giảm áp lực cho đơn vị.

“Hiện nay hầu hết các khoản chi thường xuyên hoặc gói thầu mua sắm có giá trị nhỏ dưới 20 triệu đồng đã được cắt giảm thủ tục tối đa. Cụ thể, khách hàng chỉ cần lập và gửi KBNN bảng kê chứng từ thanh toán, không phải gửi hợp đồng, hóa đơn, chứng từ có liên quan. Việc cải cách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng NSNN và giảm tải cho công tác kiểm soát chi của KBNN (giảm được số lượng thủ tục của 70% tổng số các khoản mua sắm nhỏ lẻ), song KBNN vẫn kiểm soát chặt chẽ được phần lớn các khoản chi thường xuyên có giá trị lớn của NSNN”- ông Trà Minh Trợ dẫn chứng.

Tiếp tục điện tử hóa

Tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử vào năm 2020, hệ thống KBNN phải đẩy mạnh cải cách hành chính trong các hoạt động nghiệp vụ. Trong đó, công tác kiểm soát chi NSNN phải được xây dựng và hoàn thiện cả về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, hồ sơ thủ tục theo hướng đơn giản, cùng với việc kiện toàn tổ chức, triển khai thực hiện nhanh gọn.

Ghi nhận từ thực tế, các chủ đầu tư vẫn mong muốn đơn giản hơn nữa một số hồ sơ, chứng từ đơn vị phải gửi đến cơ quan KBNN khi tạm ứng, thanh toán. Chẳng hạn như việc giảm bớt, không yêu cầu đơn vị phải gửi hóa đơn, chứng từ mua sắm; xây dựng thiết kế các chỉ tiêu trên bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng trên cơ sở phản ánh đầy đủ khối lượng xây dựng cơ bản được nghiệm thu; Quy trình ghi thu, ghi chi vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cũng cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng dựa trên cơ sở chứng từ giải ngân do chủ đầu tư cung cấp…

Theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Việt Hồng, trong thời gian tới KBNN sẽ thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, lấy chất lượng trong quản lý và phục vụ các đơn vị giao dịch là mục tiêu của cải cách hành chính. Để làm được điều này, KBNN sẽ hoàn thiện cơ chế, quy trình thủ tục trong thu, chi NSNN. Cụ thể, sẽ thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi NSNN tại các đơn vị KBNN theo hướng thống nhất và đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm soát chi (kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên), gắn với việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng NSNN. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, quy trình nhằm kiểm soát vốn ODA qua KBNN; Thực hiện phân loại các khoản chi theo nội dung và giá trị để xây dựng quy trình kiểm soát chi hiệu quả trên nguyên tắc quản lý theo rủi ro; Từng bước thực hiện nguyên tắc thanh toán, chi trả trực tiếp chi NSNN cho người thụ hưởng theo quy định của Luật NSNN năm 2015.

Trong thời gian tới, Hệ thống KBNN sẽ mở rộng phạm vi thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua Thẻ chi tiêu công đối với các khoản mua sắm sử dụng vốn NSNN, mở rộng thanh toán qua Thẻ chi tiêu công đối với các đoàn đi công tác nước ngoài; Hoàn thiện mô hình chi tiết về thủ tục triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong hệ thống KBNN vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, vừa tăng cường kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết nhanh các khoản chi cho khách hàng.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần