Rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trần Oanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về việc rất đông NLĐ đến làm thủ tục hưởng BHTN, Giám đốc DVVLHN Tạ Văn Thảo cho biết, không hẳn do tác động của dịch Covid-19.

 Ông Tạ Văn Thảo
Thưa ông, 10.678 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp BHTN, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2019 có phải do tác động của dịch Covid-19?
- Theo tôi, số người đến nộp hồ sơ hưởng chính sách BHTN tăng 12,16% không hoàn toàn do tác động của dịch Covid-19. Thực hiện chính sách BHTN 10 năm cho thấy, tỷ lệ người tham gia năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2019, số người nộp hồ sơ nhiều hơn 10% so với năm 2018, là do tăng tự nhiên, mật độ người được tiếp cận chính sách nhiều hơn. Theo quy định, NLĐ có 3 tháng để nộp hồ sơ; có thể thời điểm này số lao động mất việc do tác động của dịch Covid-19 chưa đến làm thủ tục; số người khác tiếp tục đi làm việc. Hơn nữa, với niềm tin vào công cuộc chống dịch của Việt Nam có thể sớm kết thúc, nhiều DN thực hiện các chính sách giữ chân NLĐ.
Ông có thể giải thích việc “hết số” ở Trung tâm DVVLHN nên có NLĐ đến buổi sáng phải chuyển sang buổi chiều?
- Năm 2019, hiện tượng hết số ở trụ sở chính diễn ra thường xuyên. Cao điểm như tháng 5, 6/2019, có những ngày 8 giờ 30 đã hết số. Hiện nay, ở điểm 215 Trung Kính, mỗi buổi tiếp được 50 – 60 người mới đến lần đầu, mỗi ca giải quyết trong vòng 25 – 30 phút, đấy là đã rút ngắn hết sức. Vì việc rà soát cả hồ sơ hưởng BHTN phải xem từng trang, nếu lệch thì không giải quyết được, mà có những quyển sổ dài hơn 10 trang.
Khi trường hợp NLĐ đến đây nhưng hết số, chúng tôi hướng dẫn về điểm Nam Từ Liêm, rất vắng người. Mặc dù Trung tâm đã bố trí 15 điểm tiếp nhận hồ sơ ở các quận, huyện và truyền thông rất nhiều nhưng xu hướng NLĐ thích dồn về trụ sở chính. Việc tiếp nhận tăng thêm rất khó, ví dụ, năng lực giải quyết mỗi buổi khoảng 50 – 60 người, nếu NLĐ đến 70 thì không thể nhận được xử lý được hết.
Trung tâm cũng đã tối giản, tiếp nhận và giải quyết khai báo xong, NLĐ sẽ được biết kênh online để kết nối khi có nhu cầu tư vấn giới thiệu việc làm. Vì hiện tại chưa có phần mềm bản quyền nên Trung tâm tận dụng các tính năng miễn phí trên mạng như chat, trao đổi qua email hoặc gọi điện để thực hiện tư vấn tương đối hiệu quả.
Liệu có thể tăng thêm nhân lực để mỗi buổi giải quyết được nhiều trường hợp hơn không, thưa ông?
- Riêng điểm 215 Trung Kính và Trần Phú luôn quá tải, kể cả trước khi xảy ra dịch Covid-19, bởi xu hướng NLĐ muốn đến nơi này. Chúng tôi đã tính toán và hiện tại, ở trụ sở chính (215 Trung Kính) đã mở ra thành 24 cửa tiếp đón và giải quyết chính sách BHTN cho NLĐ, trước đây có 18 cửa; trụ sở 144 Trần Phú, cũng tăng từ 9 lên 14 cửa. Với việc tăng cửa, Trung tâm bố trí thêm 10 người làm. Bây giờ, có mở thêm cửa ở hai địa chỉ này lại không có chỗ để xe cho NLĐ vì diện tích sân có giới hạn nên chúng tôi giãn ra các điểm, sàn lân cận ở Đông Anh, Long Biên, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng...
Hiện nay, để ứng phó với dịch, các cơ quan, đơn vị chuyển sang họp trực tuyến, dạy học online. Việc thực hiện chính sách BHTN cho NLĐ cũng nên theo xu thế này?
- Hiện tại Trung tâm đã đăng ký thực hiện 3 dịch vụ công mức độ 3: Tư vấn việc làm, chuyển đi, chấm dứt hưởng; còn những trường hợp khác NLĐ phải đến trực tiếp vì Luật Việc làm quy định. Chỉ khi luật sửa thì chúng tôi mới điều chỉnh được.
Xin cảm ơn ông!