S&P đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Panasonic

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 22/2, Cơ quan đánh giá tín dụng Standard & Poor's (S&P) vừa quyết định hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Tập đoàn điện tử danh tiếng Nhật Bản là Panasonic do các báo cáo tài chính yếu kém của tập đoàn này trong vài tuần qua.

S&P hạ bậc xếp hạng tín dụng dài hạn của Panasonic từ A xuống A-, trong khi "đánh tụt" mức xếp hạng tín dụng ngắn hạn của Tập đoàn này từ A-1 xuống A-2, cùng với triển vọng tiêu cực.

Động thái này diễn ra sau khi hãng đánh giá tín dụng khác của Mỹ là Moody's cũng đưa ra quyết định tương tự là hạ bậc xếp hạng tín dụng của Panasonic từ A-1 xuống A-2 trong tháng trước.

Đầu tháng 2/2012, Panasonic cảnh báo tập đoàn có thể sẽ chứng kiến mức thua lỗ kỷ lục, lên tới khoảng 780 tỷ yên (9,7 tỷ USD) trong tài khóa 2011 (kết thúc vào tháng 3/2012), do sự gia tăng của tỷ giá đồng yen; trận lũ lụt lịch sử tại Thái Lan gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng linh kiện và ảnh hưởng đến sản lượng của hãng; cũng như chi phí mua lại Tập đoàn điện tử Sanyo.

Panasonic nhấn mạnh rằng mức thua lỗ mà tập đoàn có nguy cơ đối mặt trong tài khóa 2011 có thể sẽ là mức lớn nhất mà chưa một tập đoàn phi tài chính nào của Nhật Bản từng gặp phải.

S&P cho rằng việc Panasonic dự báo về mức thua lỗ lớn trong tài khóa 2011 chính là nhân tố tiêu cực chính dẫn tới quyết định hạ cấp xếp hạng tín nhiệm của cơ quan này, trong bối cảnh một môi trường kinh doanh toàn cầu đang trở nên ngày một khó khăn.

Thời gian qua, ngành điện tử của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự "leo thang" của đồng yên, khiến các sản phẩm xuất khẩu của nước này kém tính cạnh tranh hơn tại thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, giá các sản phẩm điện tử đang có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm, cũng tác động xấu tới lợi nhuận của các hãng điện tử.

Tuy nhiên, S&P khẳng định sẽ xem xét việc điều chỉnh triển vọng của Panasonic về lại mức ổn định, nếu tập đoàn này có tiến bộ rõ nét trong việc ổn định doanh thu và dòng vốn thông qua các hoạt động tái cấu trúc kinh doanh quy mô lớn./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần