Sabeco và Habeco: 2 gam màu trái ngược

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng 7 năm trở lại đây, trong khi Sabeco càng làm càng phát triển thì Habeco lại đi theo hướng ngược lại, càng làm càng thụt lùi.

Sabeco càng tăng, Habeco càng giảm

Mới đây, cả 2 "ông lớn" tại thị trường bia Việt Nam là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đều đã công bố báo cáo tài chính của cả năm 2016. Dựa trên những con số này có thể thấy, nếu xét trong quãng thời gian 7 năm trở lại đây, 2016 đã là thời điểm Sabeco làm ăn có lãi nhất còn với Habeco lại là lúc bết bát nhất.
Khoảng cách giữa Sabeco và Habeco càng ngày càng bị kéo xa

Cụ thể, trong năm vừa qua, Sabeco đã có tổng mức lợi nhuận trước thuế đạt 5.707 tỷ đồng, tăng tới 31% so với năm 2015. Đây cũng là con số lợi nhuận cao nhất của Tổng Công ty này từ khi thành lập. Mặt khác, doanh thu của Sabeco cũng tăng mạnh tới 13% khi đạt mốc 30.666 tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Habeco chỉ vẻn vẹn khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, giảm tới 16% so với 2015 và kém gần 6 lần so với người đồng nghiệp. Đáng chú ý, tính từ năm 2011 đến nay thì 2016 là năm khoản lợi nhuận này đạt mức thấp nhất. Cũng trong giai đoạn 2011 - 2014, nếu như lợi nhuận trước thuế của Habeco liên tục tăng thì chuyển sang 2014 - 2016, con số này lại lao dốc thảm hại với mức độ giảm khoảng 200 tỷ/năm.

Như vậy, nếu xét trong nhiều năm trở lại đây có thể thấy Sabeco đã tận dụng rất tốt sự tăng trưởng cực nóng của thị trường bia Việt Nam, với mức 2 con số, để liên tục mở rộng thị phần cũng như tăng mạnh về doanh thu. Trong khi đó với Habeco, Tổng công ty này lại liên tục giậm chân tại chỗ cũng trong từng đó thời gian. Cũng ở thời điểm 7 năm trước, Habeco là doanh nghiệp bia đứng thứ 2 tại Việt Nam với thị phần chỉ kém Sabeco, thì nay đã bị tụt xuống thứ 3 với 18%, kém hơn 25% của Henieken. Hiện, Sabeco đang chiếm khoảng 40% thị phần bia trong nước.

Cũng từ kết quả kinh doanh nói trên đã khiến mức giá trên sàn HOSE của cổ phiếu Sabeco và Habeco có sự khác biệt rõ rệt. Nếu như hiện tại, cổ phiếu Habeco đang có giá 127.500 đồng/cổ phiếu thì với Sabeco con số này đang là 217.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, Sabeco đang có giá trị vốn hóa tới 6 tỷ USD, cao tới hơn 4 lần so với mức 1,4 tỷ USD của Habeco.

Habeco: Bất ổn từ đối tác

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng liên tục giậm chân tại chỗ trong những năm qua của Habeco. Dễ nhận thấy nhất là sự cạnh tranh ngày càng mạnh của các đối thủ, chậm thay đổi trong chiến lược kinh doanh, mạng lưới chưa hiệu quả... Tuy nhiên, những vấn đề nội bộ, đặc biệt là việc hợp tác kinh doanh với Carlsberg mới chính là rào cản lớn nhất khiến Tổng Công ty này khó phát triển.

Với trường hợp Carlsberg, hãng bia Đan Mạch đang là cổ đông chiến lược của Habeco khi nắm giữ 17,5% cổ phần. Tuy đã đầu tư vào Habeco từ năm 2009 nhưng vai trò của Carlsberg không được thể hiện nhiều. Thực tế cũng cho thấy, từ khi bắt tay Carlsberg, tình hình kinh doanh của Habeco liên tục đi xuống.
Carlsberg luôn muốn gia tăng cổ phần tại Habeco

Nói về vai trò của Carlsberg, Tổng giám đốc Habeco Nguyễn Hồng Linh từng khẳng định rất thất vọng với đối tác Đan Mạch. Khi bắt đầu hợp tác, Carlberg có cam kết giúp Habeco đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, thiết bị, mở rộng thị trường, nâng cấp quản trị doanh nghiệp... nhưng đều không thực hiện. Trái lại, hãng bia Đan Mạch đang nắm rõ chiến lược phát triển, cách phát triển thị trường, kênh phân phối của Habeco.

"Lựa chọn cổ đông chiến lược Carlsberg đã không mang lại giá trị cho Habeco. Đây là bài học "xương máu" đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020", ông Lĩnh khẳng định.

Xét mối quan hệ giữa Carlsberg và Habeco trong nhiều năm trở lại đây, có thể thấy nó mang đậm màu sắc thôn tính hơn là hợp tác. Trong thỏa thuận giữa 2 bên, trong trường hợp Nhà nước thoái vốn khỏi Habeco, Carlsberg sẽ được ưu tiên mua cổ phần. Thực tế, Carlsberg đã nhiều lần đề nghị mức giá 48.000 đồng/cổ phần với Habeco, thấp hơn rất nhiều so với mức 127.500 đồng/cổ phần đang giao dịch trên thị trường.

Do đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc Habeco làm ăn càng sa sút sẽ càng có lợi cho công cuộc thôn tính của Carlsberg sau này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần