[Sách trong tuần] Khám phá “Sài Gòn của em”

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một Sài Gòn muôn màu muôn vẻ với những sự kiện lịch sử, những nét văn hóa đặc trưng, nếp sống bình dị... được thể hiện sinh động qua những sách tranh thiếu nhi “Sài Gòn của em” vừa được Nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt.

Tập sách tranh “Sài Gòn của em” do tác giả Hoàng Nguyên và họa sĩ trẻ Lê Thư thực hiện trong suốt 1 năm.
 
Là ấn phẩm dành cho độ tuổi thanh thiếu niên nhưng bộ sách này được chăm chút rất kỹ từ nội dung truyền tải về lịch sử, văn hóa, địa lý Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh đến hình ảnh minh họa sống động, gần gũi hứa hẹn sẽ tạo được bất ngờ cho độc giả. Những kiến thức này được thể hiện qua những ô truyện tranh xen kẽ những trang hình ảnh và thông tin lịch sử. Bên cạnh đó, nét văn hóa đa dạng về kiến trúc, giao thông, ẩm thực hay cả những khu chợ cũng được thể hiện sinh động trong tác phẩm. Bằng sự quan sát tinh tế, hai tác giả đưa vào tập sách nhiều chi tiết đời thường thú vị như thời trang chống nắng, những số nhà nhiều “xuyệt”...

Hai tác giả khẳng định không có ý định “tô hồng” cuộc sống trong tập sách. Mặt trái của một đô thị hiện đại như tình trạng kẹt xe, triều cường, ô nhiễm môi trường được tác giả thể hiện khéo léo, kèm theo đó là những kiến thức mang tính giáo dục. Trong lời đề tựa, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận định: “Thế hệ công dân tầm 40 tuổi trở xuống có nhiều hơn những người sinh ra tại TP này. Chính những “công dân Sài Gòn” này lại không có điều kiện để hiểu về đất Sài Gòn với những biến thiên bể dâu. Sách tranh “Sài Gòn của em” sẽ giúp các bạn đọc nhỏ tuổi hình dung về lịch sử, văn hóa... của TP phương Nam này, dù trong khuôn khổ có hạn của mình những gì được đề cập trong sách có thể không thật đầy đủ”.

Dự kiến, “Sài Gòn của em” sẽ là một series chuyên biệt, không chỉ dành riêng cho trẻ em, thanh thiếu niên mà còn hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhằm khai thác, phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa, lịch sử, đời sống của người dân Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần