[Sách trong tuần] Thiên nhiên lên tiếng

Thúy Khanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập truyện ngắn “Nhạc cây” của tác giả Nguyễn Văn Học vừa được NXB Hà Nội in và phát hành, gồm 20 truyện ngắn lấy bối cảnh không gian Hà Nội và vùng ngoại ô.

Khác với những truyện ngắn trước, ở tập này, nhà văn đã để cây cỏ, chim chóc, tôm cá trở thành những nhân vật chính, đóng vai trò là nhân vật điển hình kể chuyện. Qua đó thể hiện được xúc cảm và tính tư tưởng trên tinh thần bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống bền vững.
"Nhạc cây” là truyện ngắn tiêu biểu cho lối viết giàu tính nhân văn của Nguyễn Văn Học, khi cây cổ thụ là một chứng nhân kể chuyện, chứng kiến những biến chuyển sâu sắc trong tình cảm những con người kiên trung, yêu nước, bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Rồi khi tuổi cao sức yếu, những con người đó lại vững tâm là chỗ dựa cho con cháu, động viên con cháu nêu cao ý chí khắc phục khiếm khuyết bản thân, trở nên yêu đời, yêu người, sống có ích.
Ở đây, tác giả không chỉ để cổ thụ là chứng nhân, mà cổ thụ còn là biểu tượng của sức sống bền vững, tỏa bóng mát, tỏa ra tiếng nhạc, tiếng thơm cho đời. Lồng vào cảm thức đó, hai nhân vật cao tuổi trong truyện đã gieo khao khát sống, sáng tạo, cống hiến, đánh thức dòng nhạc tinh thần trong tâm hồn giới trẻ. Tập truyện ngắn “Nhạc cây” bao gồm nhiều truyện ngắn như: “Cụ cây”, “Mưa hoa”, “Duyên hoa”, “Đoản hoa”…
Các truyện ngắn “Mưa hoa”, “Duyên hoa”, “Đoản hoa”… nhân vật là những loài hoa, đại diện cho cái đẹp, cho sự tinh tuyền cũng trở thành tâm điểm của cuộc sống. Hoa luôn được con người yêu quý. Hoa là hình ảnh làm đẹp cho đời. Nhưng trong các truyện ngắn, hoa còn là tinh thần cao thượng mà những người yêu thiên nhiên, yêu văn hóa truyền thống muốn gìn giữ. Chính hoa khiến con người phải hướng tới cái thiện, cái mỹ.
Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học đầy hình ảnh thiên nhiên, tính dự báo và cảnh báo, đầy suy nghiệm về đời sống nhân sinh. Ở một số truyện ngắn khác, anh đi sâu vào khai thác lối sống trên chung cư cao tầng, khi chính con người bị dồn lên những cao ốc chọc trời. Đó là hệ quả của đô thị và tăng dân số. Khi đó, những món đồ, những cây đàn, những cây cảnh nhỏ nhoi ở ban công thành nhân vật. Chúng nhìn người. Chúng giễu người. Chúng cho thấy chính con người đang bị tha hóa trong môi trường của mình, sinh sống ở thế bị động, thậm chí là cô độc trong sự đông đúc ngột ngạt những cá thể người.