Sacombank - Nova Group: Cuộc hôn nhân bất thành

Huyền Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tin mới nhất mà phóng viên báo Kinh tế&Đô thị nhận được từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tập đoàn Nova chính thức xin rút khỏi đề án tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sau một năm tham gia nghiên cứu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực mới là tài chính ngân hàng.

Nova Group là một Tập đoàn đa ngành hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thú y, thuốc thủy sản, xây biệt thự cho thuê. Trong tờ trình gửi đến NHNN xin tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank, với đề xuất mua 20% cổ phần của NH này. Nova Group cam kết sẽ tham gia tái cơ cấu Sacombank. Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá việc Nova Group“mặn tình” với Sacombank vì nhìn thấy tiềm năng lớn từ hệ thống bán lẻ cùng các điểm giao dịch rộng khắp của Scombank và một điều mà Novaland Group (Tập đoàn thành viên của Nova Group) hướng tới là cơ hội tham gia xử lý nợ xấu bất động sản hiện còn rất lớn tại NH này.
 
Trao đổi với một lãnh đạo trong Hội đồng quản trị của Nova Group, vị lãnh đạo này cho biết nguyên nhân rút khỏi Sacombank là do hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực NH cần có nhiều cơ chế đặc thù và quá trình xử lý nợ xấu cần rất nhiều thời gian. Trên cơ sở đó, các điều kiện hiện tại của Sacombank chưa phù hợp để tập đoàn đầu tư trong thời điểm này. Ông cũng nhấn mạnh Nova Group vẫn quan tâm đầu tư vào mảng tài chính NH với tiêu chí đảm bảo không ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh doanh truyền thống và nhất là công ty con đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Novaland.

Sacombank chính thức nhận sáp nhập SouthernBank từ tháng 10/2015 Sacombank và đã đứng trong top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt gần 290.900 tỷ đồng, vốn điều lệ là 18.853 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau sáp nhập Southern Bank, Sacombank nhận về lượng lớn số tài sản không sinh lời. Đây cũng là một cơ sở chính để khối phân tích của Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) mới đây rất thận trọng khi đánh giá: Sacombank gần như sẽ không có lợi nhuận năm 2017, thậm chí phải rất nỗ lực để tránh ghi nhận lỗ trong vài năm tới và sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận không đáng kể trong 5-10 nữa, cũng như suốt giai đoạn này khó có được cổ tức. Với thực trạng trên Sacombank đã thực sự có vấn đề về tài chính nếu không muốn nói là nguy hiểm, bởi nếu cộng hưởng giữa lượng tài sản không sinh lời cao, hiệu quả sinh lời bị suy giảm, áp lực nếu phải thoái lãi dự thu với nợ xấu tiềm ẩn trong đó, đi cùng là chi phí trích lập dự phòng tăng lên, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các chỉ số an toàn hoạt động theo tiêu chuẩn quy định.

Sau sáp nhập Southern Bank, Cơ quan Thanh tra Giám sát của NHNN đã có một quyết định nhận uỷ quyền (qua VAMC) tỷ lệ sở hữu lớn của nhóm cổ đông với đại diện là ông Trầm Bê. Với mục đích giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của Sacombank cũng như những rủi ro tiềm ẩn.

Theo một phát biểu của Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng trấn an với giới báo chí vào đầu năm nay: Với sự duy trì hoạt động tốt của Sacombank, NH đã nhận được nhiều đề nghị từ các nhà đầu tư nước ngoài. Có nhà đầu tư đã sẵn sàng bỏ một tỷ USD vào Sacombank và đã chính thức đặt vấn đề này với NHNN. Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn lớn trong nước muốn tham gia sở hữu 20% cổ phần Sacombank. Họ cũng cam kết sẵn sàng mua với giá cao.

Theo ông Dũng, nếu không có sự tham gia của những nhà đầu tư mới, có thể quá trình tái cấu trúc Sacombank cần tới 5-6 năm. Còn nếu có nhà đầu tư mới, quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn.

Như vậy những gì mà người đứng đầu con tàu Sacombank chia sẻ thì có thể thấy rằng việc tái cơ cấu của Sacombank sẽ phải dựa rất nhiều vào “ngoại quân”.

Tuy nhiên việc tìm một nhà đầu tư để giúp cho Sacombank trước thềm đại hội cổ đông sắp diễn ra vào cuối năm nay cũng không hề dẽ dàng bởi quan điểm của NHNN Việt Nam rất rõ ràng theo như phát biểuThống đốc Lê Minh Hưng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành NH đầu năm nay đã nêu rõ nguyên tắc trong thực hiện tái cơ cấu. Đó là thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, có nguồn vốn thực mà không phải từ vay mượn. Nhưng, có nguồn tiền thực và tiềm lực mạnh chưa hẳn đã đủ điều kiện tham gia tái cơ cấu, xét ở việc quản trị điều hành NH, mà đó còn phải là những nhà đầu tư có kinh nghiệm trong ngành.

Trở lại bài toán tái cơ cấu của Sacombank. Nhưng phát biểu, những trấn an của Chủ tịch Kiều Hữu Dũng liệu có giúp cho Sacombank có một ký Đại hội cổ đông (diễn ra vào cuối tháng 4 này) sẽ đưa NH này vào quỹ đạo tái cơ cấu theo những yêu cầu của NHNN và kỳ vọng của các cổ đông hay không? Liệu rằng những gì đang diễn ra và nhất là trước cuộc “hôn nhân” với một đối tác lớn, quan trọng như Nova Group thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không ít tới kế hoạch tái cơ cấu của Sacombank.

Một điều mà giới chuyên gia tài chính, ngân hàng và các cổ đông lớn khẳng định là qua sự việc này, vị trí của Chủ tịch HĐQT Kiều Hữu Dũng có thể sẽ chấm dứt trong kỳ Đại hội này. Ông Dũng từng đảm nhiệm chức vụ Vụ trưởng vụ Quản lý các NH tại NHNN Việt Nam và đã ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Sacombank từ năm 2014 đến nay.
Mới đây NHNN vừa có bản dự thảo, trong đó nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi, bổ sung điều 50 Luật các tổ chức tín dụng về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc của các tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần