Sai hoàn toàn về bùng phát dịch Covid-19 tại Nhật, giới chuyên gia tranh cãi

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục bị dịch bệnh Covid-19 tấn công, nhưng hiện lại là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhẹ nhất trong số các quốc gia phát triển. Điều này trái với hầu hết các dự báo trước đó về một sự bùng nổ khó tránh tại nước này.

Tại 1 giao lộ ở Tokyo đêm 18/3.
Nhật Bản đã không áp dụng các biện pháp cách ly và phong tỏa cứng rắn của Trung Quốc, hay việc kiểm dịch hàng loạt như ở Hàn Quốc, châu Âu và nhiều TP lớn của Mỹ. Duy nhất các trường học ở Nhật phải đóng cửa, cuộc sống tại quốc gia này gần như vẫn tiếp diễn như thường lệ. Các chuyến tàu giờ cao điểm ở Tokyo vẫn chật cứng, trong khi các nhà hàng vẫn hoạt động xuyên đêm.
Dự đoán sai?
Chính phủ Nhật cho rằng họ đã rất tích cực trong việc xác định và khoanh vùng các cụm để hạn chế sự lây lan. Điều này được cho đã giúp tổng số ca nhiễm, và cả tỷ lệ nhiễm trên bình quân đầu người của nước này, hiện ở mức thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Nhiều nhà phê bình đã chỉ trích Nhật Bản lỏng lẻo trong công tác thử nghiệm, nghi ngờ nước này đang tìm cách "ém" số ca lây nhiễm ở mức thấp để có thể tổ chức Thế vận hội ở Tokyo vào tháng 7 tới như đúng kế hoạch.
Nhận định này dường như dường như xuất phát từ phản ứng có phần chậm chạp ban đầu của nước này đối với dịch Covid-19. Công tác xử lý trên tàu du lịch Diamond Princess - nơi có khoảng 1/5 tổng số người bị nhiễm bệnh trong khi nó bị cách ly ở Yokohama - và việc bỏ ngỏ quyết định cấm nhập cảnh từ Trung Quốc từng bị đưa ra như là lý do dự báo Nhật Bản sẽ sớm có 1 "Vũ Hán thứ 2".
Tuy nhiên, tính đến ngày 18/3, Nhật Bản chỉ có hơn 900 trường hợp dương tính được xác nhận - không bao gồm tàu ​​du lịch. Mỹ, Pháp và Đức đều có trên 7.000 trường hợp và Italia đã gần chạm mốc 36.000 ca. Tại nước láng giềng Hàn Quốc, nơi dịch bệnh bắt đầu được xác nhận từ cuối tháng 2, hiện ca bệnh vào khoảng 8.500 trường hợp, và có dấu hiệu đang giảm dần.
Hòn đảo chính phía Bắc Hokkaido là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất do Covid-19 tại Nhật, hiện đã báo cáo tình trạng nhiễm mới chậm lại. Tại Tokyo, một trong những đô thị đông đúc nhất thế giới, tỷ lệ nhiễm bệnh chỉ ở mức 0,0008%.
Các khả năng
Sự gần gũi với Trung Quốc được nhận định có thể là yếu tố đã nâng cao cảnh giác tại Nhật Bản khi dịch bệnh đang ở giai đoạn dễ kiểm soát hơn. Cuối tháng 1, ngay sau lần đầu tiên Nhật Bản ghi nhận ca bệnh chưa từng đến Trung Quốc, các chất khử trùng đã bắt đầu được bố trí đồng loạt tại các văn phòng và cửa hàng, trong khi nhu cầu khẩu trang tăng vọt. Mọi người bắt đầu chấp nhận một số quy tắc cơ bản để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Điều này có thể đã giúp Nhật Bản "làm phẳng đường cong" nhiễm bệnh tại nước này.
Đường cong lây nhiễm. 
Laurie Garrett, một nhà nghiên cứu về sức khỏe toàn cầu của Mỹ cho rằng, Nhật Bản đã may mắn khi chỉ có một số ít trường hợp nhiễm và dường như vẫn tập trung ở những khu vực hữu hạn, dễ kiểm soát. Một báo cáo vào ngày 9/3 của một hội đồng do chính phủ Nhật Bản chỉ định cho biết, khoảng 80% các trường hợp được xác định ở Nhật Bản đã không lây nhiễm sang người khác.
Văn hóa Nhật Bản cũng có thể là 1 lợi thế, khi việc bắt tay và ôm hôn ít phổ biến hơn ở các nước G7 khác. Đây cũng là nơi có tỷ lệ rửa tay thường xuyên cao hơn châu Âu.
Kenji Shibuya - GS tại King College London và là cựu giám đốc chính sách y tế của WHO, nhận định 2 khả năng: Hoặc Nhật Bản đã ngăn chặn thành công sự lây lan bằng cách tập trung vào các cụm dịch, hoặc dịch bệnh tại nước này vẫn chưa đến thời điểm bùng phát.
"Cả 2 đều hợp lý, nhưng tôi nghiêng về khả năng Nhật Bản sắp sửa chứng kiến ​​một sự bùng nổ, sẽ buộc phải chuyển từ giai đoạn ngăn chặn sang giảm lây nhiễm diện rộng", ông Kenji nói, cho rằng số lượng các thử nghiệm đang tăng lên nhưng chưa đủ.
Tính riêng hôm 18/3, Nhật Bản đã thực hiện kiểm tra hơn 15.000 người. Và mặc dù không khuyến khích kiểm tra những người không có triệu chứng hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh, tỷ lệ lây nhiễm tại Nhật hiện ở mức 5,6% - so với mức 3% ở Hàn Quốc và 18% ở Italia.
Tuy nhiên hiện tại, kể cả khi số ca nhiễm tăng lên, Nhật Bản dự kiến vẫn có thể xử lý vấn đề giường bệnh tốt hơn nhiều nước lớn. Theo số liệu của World Bank, tỷ lệ giường bệnh tại Nhật đạt khoảng 13 giường/1.000 dân, cao nhất trong nhóm G7, gấp 3 lần tỷ lệ của Italia, Mỹ, Anh và Canada.
Điều này giúp các quan chức y tế Nhật Bản tự tin trong việc xử lý sự cố kể cả không kiểm đếm được tất cả, trong khi Thủ tướng Abe Shinzo đang cân nhắc xem có nên giảm bớt hạn chế nơi người dân - chẳng hạn như cho phép học sinh trở lại trường vào tháng 4 tới.