Sai phạm công trình xây dựng: Xử lý hình sự cả cán bộ bao che

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, ngoài việc xử phạt bằng tiền, các cơ quan chức năng của TP còn thực hiện chế tài tháo dỡ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nhằm tăng cường răn đe và ngăn chặn xảy ra vi phạm lớn, cần phải có chế tài hình sự.

Nhức nhối xin - cho
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, mỗi năm, trên địa bàn cả nước có khoảng trên 60.000 giấy phép xây dựng khác nhau được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cấp cho người dân, DN và các tổ chức xã hội... theo hình thức nhà ở nhỏ lẻ và các dự án nhà ở cao tầng. Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những địa bàn có số lượng giấy phép xây dựng được cấp nhiều nhất.
Tuy nhiên, giai đoạn trước năm 2014, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh về việc quản lý và cấp phép chưa được hoàn thiện, nên tình trạng vi phạm trật tự xây dựng hoặc không phép hoặc sai phép có xảy ra theo cơ chế xin - cho, nhiều công trình vi phạm khó xử lý.
Nên xử lý hình sự đối với trường hợp cố tình vi phạm trật tự xây dựng. Ảnh: Doãn Thành
"Sau khi đã có cơ sở pháp lý hoàn thiện, việc xử lý vi phạm tại những công trình xây dựng đã có chế tài và phương pháp xử lý rõ ràng, nên số lượng các công trình vi phạm đã giảm đi đáng kể, nhưng vẫn còn xảy ra những vi phạm cả ở công trình nhỏ và các dự án lớn" - Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhìn nhận.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Kinh tế & Đô thị, KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội cho rằng, việc xin - cho trong công tác quy hoạch, xây dựng không chỉ gây nhức nhối cho xã hội từ trước thời điểm điều chỉnh Luật Xây dựng năm 2014, mà hiện vẫn đang tồn tại, dù có giảm hơn so với trước.
“Trong năm 2019, chính quyền cấp quận huyện, phường xã đã ban hành trên 1.100 quyết định xử phạt liên quan đến vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Nếu không sớm chấm dứt tình trạng này, những vi phạm về trật tự xây dựng sẽ còn tiếp diễn” - ông Ánh nhận định.
Sẵn sàng nộp phạt vì lợi nhuận
Theo số liệu thống kê, chỉ tính giai đoạn 2015 - 2016, trên địa bàn TP Hà Nội có 38/40 công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn tồn tại nổi cộm, như: số 8B Lê Trực (Ba Đình); tòa nhà Hòa Bình Green City số 505 Minh Khai (Hai Bà Trưng); dự án nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân); chung cư Mỹ Sơn Tower 62 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân); chung cư 89 Phùng Hưng (Hà Đông); Tòa 04-HH02 (Nam Từ Liêm)...
Đối với những công trình vi phạm này và công trình vi phạm tương tự, theo KTS Trần Huy Ánh, cần phải có chế tài mạnh, vì thực tế việc xử phạt hành chính bằng tiền không mang lại hiệu quả răn đe, nhất là mức phạt tối đa hiện nay được áp dụng là 1 tỷ đồng. Nếu xây vượt thêm một tầng, chủ đầu tư sẽ bán được thêm vài chục căn hộ, số tiền lợi nhuận có thể thu được lên tới hàng trăm tỷ đồng. Như vậy, chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt để được hợp thức hóa phần sai phạm của mình.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, luật sư Trần Cao Ngãi - Hội luật gia Việt Nam cho rằng, hiện nay có nhiều văn bản pháp quy liên quan đến việc xử lý vi phạm về xây dựng vượt tầng: Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Xây dựng 2014, Nghị định 139/2017/NĐ-CP... Trong đó có quy định rõ, những cá nhân, tổ chức khi vi phạm sẽ bị lập biên bản xử phạt hành chính và được yêu cầu tự nguyện tháo dỡ phần xây dựng sai phạm, nếu không tự nguyên sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ. Ngoài ra, đối với các dự án trong thời hạn cho phép để khắc phục việc xây dựng sai phép mà không thực hiện sẽ bị rút giấy phép xây dựng...
Tuy nhiên, vị luật sư này cũng cho rằng, những sai phạm lớn như các dự án kể trên không thể nào chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không hay biết. Ở đây, rõ ràng có sự buông lỏng trách nhiệm và dấu hiệu bao che, tiếp tay của cán bộ và lãnh đạo, do đó cần phải xử lý hình sự đối với những người bao che, tiếp tay.
"Không chỉ xử lý hình sự đối với cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn đủ căn cứ xử lý hình sự đối với cả những cá nhân, DN, tổ chức vi phạm” - luật sư Ngãi cho hay.

Điều 343, Bộ Luật hình sự 2015 về Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở quy định: Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.


"Nếu phương án tháo dỡ khó khả thi thì Nhà nước có thể tịch thu toàn bộ phần xây sai phạm của DN để sử dụng cho mục đích công cộng. DN phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền đã thu của người mua và phải bồi thường thiệt hại, nếu như người mua khởi kiện ra tòa." - KTS Trần Huy Ánh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần