Samsung tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tín hiệu đáng mừng của bảng xếp hạng FAST500 năm nay là 9 vị trí còn lại đều thuộc về các doanh nghiệp trong nước.

Theo Bảng xếp hạng năm 2015 về Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) mới được Vietnam Report công bố hôm nay (10/3), Samsung Electronic Việt Nam là doanh nghiệp được đăng giá có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm vừa qua. 

 
10 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất
10 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất
Được biết, thứ hạng của các doanh nghiệp trong FAST500 được sắp xếp chủ yếu dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép về doanh thu trong giai đoạn 2010 đến 2013, có xét đến thực tế và triển vọng tăng trưởng doanh thu năm 2014 và 2015. Ngoài ra, các tiêu chí như tổng tài sản, tổng lao động, lợi nhuận sau thuế, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông... cũng được sử dụng như yếu tố bổ sung để đánh giá quy mô và vị thế của doanh nghiệp.

Thống kê từ FAST500 năm nay cho thấy, đa phần các doanh nghiệp đều có lượng đơn đặt hàng, doanh thu, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị, lợi nhuận sau thuế và dòng tiền trong năm 2014 đều có xu hướng tốt hơn so với năm trước đó với lần lượt 82,2%, 79,5%, 78,9%, 78,7% và 77,6% lựa chọn phương án "tăng lên". Đây là những dấu hiệu khả quan cho thấy bức tranh kinh doanh đang chuyển độ sang gam màu tươi sáng hơn.

Dẫn đầu trong số các chỉ tiêu hoạt động, lượng đơn hàng gia tăng phần lớn nhờ vào việc triển khai có hiệu quả kế hoạch mở rộng thị trường của doanh nghiệp trong 4 năm trở lại đây. Hơn ½ số doanh nghiệp đã lựa chọn "mở rộng thị trường hiện có" (52,6%) và "tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực" (51,3%) là 2 yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2014, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay.

Nói về kế hoạch hoạt động trong năm 2015, 75,7% doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh nhằm tăng doanh thu và sự hiện diện của doanh nghiệp trên thương trường, 19,2% giữ nguyên kế hoạch hoạt động như năm 2014, ngược lại chỉ 5,1% số doanh nghiệp lựa chọn phương án "giảm quy mô kinh doanh" do vẫn còn chút e ngại về cơ hội tăng trưởng trong năm 2015.

 
Chiến lược tăng trưởng chủ đạo của doanh nghiệp trong 4 năm qua (2011-2014) và định hướng trong 4 năm tới (2015 - 2018)
Chiến lược tăng trưởng chủ đạo của doanh nghiệp trong 4 năm qua (2011-2014) và định hướng trong 4 năm tới (2015 - 2018)
Về giai đoạn 2015 - 2018, các doanh nghiệp cho biết sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, tuy nhiên cũng thừa nhận sẽ phải đối mặt với thử thách cạnh tranh gay gắt hơn. Trong đó, Top 3 chiến lược tăng trưởng đã và sẽ được doanh nghiệp tập trung hướng tới trong 4 năm tới gồm tăng năng suất, cải thiện chất lượng đội ngũ quản lý và phát triển các dòng sản phẩm/ dịch vụ mới.

Nhận định về những thách thức trước mắt, 60,3% doanh nghiệp cho rằng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh cùng ngành là yếu tố đáng ngại nhất cho tăng trưởng. Do đó, nhu cầu về thông tin minh bạch hiện nay là vô cùng cần thiết, bởi chỉ với thông tin chính xác, các nhà hoạch định chiến lược mới có thể đưa ra một kế hoạch tăng trưởng trung và dài hạn khả thi, phù hợp với năng lực doanh nghiệp cũng như xu thế thị trường chung, đồng thời giảm thiểu những sai lệch trong công tác dự báo.

Về kỳ vọng của doanh nghiệp, 78,2% doanh nghiệp cho rằng "duy trì mức lãi suất thấp" nên là giải pháp ưu tiên trong giai đoạn 4 năm tới, tạo điều kiện vay vốn thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhằm điều tiết hợp lý và kịp thời các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng khi thực thi kế hoạch mở rộng thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Đây cũng chính là vấn đề đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (76,9% lựa chọn), hỗ trợ cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiều hơn (60,3%), hay hỗ trợ nhiều hơn cho các hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực (46,2%).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần