Sân khấu dịp Quốc tế Thiếu nhi: Chưa nhiều “món ngon”

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ giữa tháng 5/2018, sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối T.Ư… đã rộn ràng các chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi.

Ngoài ra, nhiều chương trình của các đơn vị tư nhân dự kiến "đỏ đèn" vào cuối tuần tới. Đầu mục biểu diễn được liệt kê dày đặc, nhưng phần lớn là các chương trình mang tính lắp ghép.
Nhộn nhịp khởi động

Ngày Quốc tế thiếu nhi là dịp ăn nên làm ra của các nhà hát. Các trường tiểu học cùng nhiều cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu bao trọn sân khấu làm quà tặng 1/6 cho học sinh hoặc con em cán bộ trong đơn vị. Bà Nguyễn Thị Hoài Oanh – Giám đốc Công ty Đông Đô Show cho biết: “70% số vé của vở kịch thiếu nhi được bán dưới dạng tập thể, còn lại là khách lẻ. Có những năm Đông Đô Show tổ chức 3 chương trình, mỗi chương trình khoảng 15 suất diễn, với sức chứa 600 người/suất, nhưng luôn kín người xem”. Chính vì vậy, thị phần phục vụ Tết thiếu nhi trong 5 năm trở lại đây không chỉ có những cái tên quen thuộc như Đông Đô Show, Rạp xiếc T.Ư, Nhà hát Múa rối T.Ư… mà bắt đầu xuất hiện chương trình của Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội… Gần như 100% các rạp Hà Nội đỏ đèn biểu diễn trong 3 ngày 29/5, 30/5 và 1/6, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khán giả.
Vở 'Đi phượt cùng bà lão đánh cá' vừa công diễn nhưng không thu hút khán giả vì kém hấp dẫn.
Giá vé của mỗi chương trình năm nay dao động từ 120.000 - 300.000 đồng/vé. Hiện nay, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối T.Ư, Nhà hát Tuổi trẻ… đã công diễn các vở: “Đi phượt cùng bà lão đánh cá”, “Niềm vui của đám gà nhà”, “Căn bếp đại chiến”… còn lại các chương trình nghệ thuật của sân khấu tư nhân với các vở kịch “Người hùng sân cỏ”, “Cậu bé biết bay”… sẽ chọn ra ra mắt đúng ngày 1/6.

Nhạt nhòa sáng tạo từ cổ tích

Vở diễn núp dưới những cái tên rất mới, nhưng nội dung vẫn bám vào câu chuyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, “Nàng Tiên cá”… Hoặc chương trình của Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, Rạp xiếc T.Ư lựa chọn phát triển ý tưởng trên các nhân vật hoạt hình như Gấu trúc Panda, Elsa và Anna. Tuy nhiên, hầu hết các vở diễn chỉ là bình cũ rượu mới. Vở diễn “Đi phượt cùng bà lão đánh cá” giống như một chương trình tạp kỹ đủ cả ca nhạc, rối, kịch…, tính giáo dục về sự tham lam sẽ gây hậu quả xấu cũng không truyền tải được đến người xem.

Theo lời giới thiệu của Nhà hát Tuổi trẻ, đến với vở “Nàng tiên cá” trong dịp 1/6 này, các khán giả nhí sẽ được đắm chìm vào một thế giới đại dương cùng các nhân vật cổ tích quen thuộc: Nàng Tiên cá, vua Thủy tề, phù thủy Bạch tuộc đen… Nhưng thực tế, đây là vở diễn kết hợp các tiết mục ca – múa – nhạc – kịch nhưng không có sự ăn khớp, kết nối giữa các màn diễn. Chính vì vậy, sân khấu kịch 1/6 mới chỉ đáp ứng mua vui trong giờ diễn. Khán giả thiếu nhi ra về, không đọng lại ấn tượng nghệ thuật từ các chương trình nghệ thuật này.

Năm nay, nét đặc sắc nhất của các chương trình thiếu nhi chính là tính giao lưu văn hóa thế giới ở sân chơi Liên hoan thiếu nhi quốc tế VTV 2018 và trò chơi dân gian của một số nước tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Trải nghiệm trong các trò chơi Lò cò (Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka, Việt Nam), Ô ăn quan (Indonesia, Thái Lan, Việt Nam), Cướp cờ (Campuchia, Thái Lan, Việt Nam), Đi gáo dừa (Brunei, Lào, Việt Nam)… chính là nét mới của không gian giao lưu quốc tế thiếu nhi năm nay. “Nếu như dịp Tết Trung thu là ngày dành cho trẻ em Việt Nam thì ngày 1/6, thực hiện Liên hoan thiếu nhi Quốc tế, chúng tôi hướng tới một sân chơi cho tất cả trẻ em khắp nơi trên thế giới. Ở đó, âm nhạc, trẻ em và nhiều ngôn ngữ trên thế giới sẽ được giao tiếp trong cùng một chương trình” – nhà báo Diễm Quỳnh – Trưởng Ban tổ chức Liên hoan thiếu nhi quốc tế VTV 2018 bày tỏ. Trong lúc chờ các kịch bản sân khấu mang tính sáng tạo thì một sân chơi giao lưu, hội nhập sẽ có nhiều ý nghĩa hơn với các em thiếu nhi Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần