Sân khấu hóa “Truyện Kiều”: Sau hơn 200 năm vẫn là thử thách

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du ra đời hơn 200 năm và trở thành kiệt tác của văn học Việt Nam cũng như thế giới.

 Vì thế, mỗi lần thưởng lãm một hoạt động nghệ thuật tái hiện, dựa theo hay lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” là dư luận lại xôn xao. Đặc biệt, thời gian gần đây, khi nhân vật Kiều được sân khấu hóa ở loại hình múa rối, rồi điện ảnh… thì những ý kiến của những độc giả yêu Kiều, vẫn không ngừng tranh cãi.
Lần đầu tiên trên sân khấu rối

Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa công diễn vở “Thân phận nàng Kiều” (tác giả NSƯT Lê Chức và nhà văn Nguyễn Hiếu; đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng) tại Hà Nội. Đây là lần đầu nhân vật nàng Kiều từ thơ nôm lục bát của đại thi hào Nguyễn Du được giải mã bằng ngôn ngữ rối cạn (rối và người).
 Chân dung Thúy Kiều trong phim ''Kiều'' vừa được nhà sản xuất phim công bố (ảnh nhân vật cung cấp).
Không theo thứ tự thời gian của “Truyện Kiều”, đạo diễn chỉ chọn vài diễn biến cao trào của cuộc đời Thúy Kiều. Bắt đầu từ vu oan giá họa của thằng bán tơ đã khiến gia đình Vương Ông lâm vào hoàn cảnh khốn cùng. Thúy Kiều phải hai lần sa chốn lầu xanh, hai lần làm thân đầy tớ, gian truân suốt 15 năm. Vở rối hư cấu thêm hai nhân vật quan trọng - Nguyễn Du (nhân vật con rối Bút lông) và Đạm Tiên (hình hài Đàn tỳ bà) - là thử nghiệm rất sáng của cấu trúc chuyện kịch - rối. Những lớp chuyển thật sự mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Vở diễn chủ yếu là rối mặt nạ, điểm nhấn về tính cách của nhân vật được thể hiện qua những chiếc mặt nạ đó. Nấp sau những tạo hình con rối đó là bàn tay khéo léo của các nghệ sĩ múa rối. Với tài tạo hình của họa sĩ Lê Đình Nguyên, những con rối có hồn, đã mang lại nhiều sắc thái trong suốt chuyện kịch.

Trong Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm vừa diễn ra đầu tháng 10/2020 tại Hà Nội, “Thân phận nàng Kiều” đã đoạt Huy chương Vàng cho vở diễn xuất sắc, giải Đạo diễn xuất sắc, giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc, 2 Huy chương Vàng cho diễn viên xuất sắc, 5 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham gia vở là câu trả lời chính xác nhất về sự thành công của vở diễn khi lựa chọn sân khấu hóa nhân vật nàng Kiều.

Lại gây tranh cãi

Năm 2020 là dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, rất nhiều các loại hình nghệ thuật đã bén duyên với “Truyện Kiều”, trong đó có lĩnh vực điện ảnh. Mới đây, nhà sản xuất phim “Kiều” gây chú ý khi hé lộ chân dung nữ diễn viên hóa thân vai Thúy Kiều cùng tạo hình nhân vật. Không ngoài dự đoán, nữ chính là Trình Thị Mỹ Duyên, sinh năm 1995, người đẹp đến từ tỉnh Tuyên Quang. Cô từng gây ấn tượng với khán giả khi là thí sinh thuộc đội của huấn luyện viên Lan Khuê tại chương trình The Face 2017 và cũng là người đẹp đoạt danh hiệu “Người đẹp áo dài” trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017.

Ngay khi tạo hình Thúy Kiều được hé lộ, trên các diễn đàn, trang mạng, những ý kiến trái chiều xuất hiện. Một số người cho rằng Mỹ Duyên đẹp sắc nét, phù hợp với nhân vật: “Trong tưởng tượng của mình Thúy Kiều là kiểu con gái da trắng, mặt hơi mị hoặc chút, ít có nét ngây thơ, bạn này xinh đấy!"; "Cô ấy đẹp đúng mẫu, chờ diễn xuất nữa thôi!”; “Cô ấy đẹp đúng kiểu Á Đông đấy, chờ diễn xuất”; “Đôi mắt nhìn mị ghê, hợp đấy”… Một số người chê Mỹ Duyên chưa đủ độ đẹp của Kiều mà Nguyễn Du mô tả. Ngoài tranh luận ngoại hình, nhiều người chê bai phục trang của Kiều chưa phù hợp. Đặc biệt, màu sắc phục trang là màu vàng trong khi Kiều rơi vào chốn lầu xanh. Màu vàng vốn là màu dành cho vua chúa, hoàng tộc mà sử dụng ở bối cảnh này thì hoàn toàn bất hợp lý.
Phim “Kiều” đã từng gây tranh cãi một lần sau khi công bố hình ảnh và đoạn video clip đầu tiên. Thời điểm đó, phim bị ý kiến trái chiều về việc sử dụng chữ quốc ngữ được đánh giá không đúng mà phải dùng chữ Nôm. Phần phục trang khi đó cũng bị chê hở hang quá đà. Trước các tranh cãi, phía nhà sản xuất cũng lên tiếng biện giải, cảm ơn những đóng góp từ công chúng và tiếp thu các góp ý. Phim dự kiến ra rạp vào đầu năm 2021.
Sân khấu hóa để Thúy Kiều hiện lên bằng da bằng thịt luôn là những thử thách của các nghệ sĩ. Bởi khó có hình ảnh nào xây dựng nhân vật Kiều “10 phân vẹn 10” như trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Tuy nhiên, nhiều độc giả cho rằng, không vì thế mà các loại hình nghệ thuật e dè, đôi khi thử thách là cách để nghệ sĩ thăng hoa và sự thăng hoa đó có thể tạo nên thành công nhưng cũng có thể nhận những lời khen chê nhất định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần