Sản lượng chăn nuôi không giảm, tại sao thịt lợn tăng chóng mặt? - Bài 2: Những khâu “móc túi” của người tiêu dùng

Bài và ảnh Hương Hồi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết: Sau 2 ngày Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu DN giảm giá bán thịt lợn nhưng thị trường ngoài này không thấy giảm, Bình Dương và một số tỉnh phía Nam giá còn bị đẩy lên 58.000 đồng/kg.

Thị trường chưa có tín hiệu giảm

Theo ông Xuân và ông Bình nếu những người chăn nuôi bán lợn hơi xuất chuồng 100 kg/con, bán với giá 50.000 – 52.000 đồng/kg đã có lãi 1,5 triệu đồng mỗi con.

Phóng viên đã hỏi 1 người chuyên mổ lợn bán lẻ ở Thanh Oai, bà chia sẻ: Mỗi con lợn đạt trọng lượng 100 kg làm sạch sẽ được 75 kg lợn móc hàm. Tại thời điểm phóng viên điều tra tại huyện Chương Mỹ ngày (11/10) thì giá bán lợn móc hàm đang ở mức 75.000 – 76.000 đồng/kg. Với 75 kg bán giá 75.000 đồng/kg, tổng giá bán cho tiểu thương là trên 5,6 triệu đồng/con lợn móc hàm. sau khi mổ lợn bán sang tay cho những người bán lẻ, lái buôn đã có từ 400.000 – 600.000 đồng mỗi con chưa trừ chi phí điện nước, phí vận chuyển.
 Thịt lợn ở chợ bán với giá tè 80.000 - 120.000 đồng/kg tuỳ loại. Mỗi con lợn bán lẻ tiểu thương có thể thu lãi 1,5 - 1,9 triệu đồng/con.
Tuy nhiên, đến ngày 14/10 giá thịt lợn móc hàm không còn ở mức trên mà đã tăng lên 80.000 đồng/kg. Bà H chuyên bán thịt lợn lẻ tại Hà Đông cho biết: Giá bán lợn móc hàm hôm nay đã tăng lên 80.000 đồng/kg. Nhiều người mua thịt quen của bà hỏi: Sao dạo này thịt đắt thế. Chúng tôi tiểu thương nhỏ lẻ, mỗi ngày bán có 1 con lợn cũng không biết vì sao giá tăng cao vậy. Mỗi ngày chúng tôi phải mua một giá khác nhau. Mua cao bán cao vậy thôi.

Theo khảo sát của phóng viên ở nhiều chợ, hiện tại giá bán thấp nhất sản phẩm thịt lợn là xương cục, xương ống với 80.000 – 90.000 đồng/kg (phần này chiếm tỷ lệ rất ít trong con lợn). Thịt sấn, ba chỉ, bắp giò, nạc vai, sườn đều bán với giá từ 110.000 – 120.000 đồng/kg. Có một số chợ đẩy giá bán thịt nạc lên 130.000 – 140.000 đồng/kg. Nếu tính bình quân tất cả các sản phẩm của con lợn bán với giá 100.000 đồng/kg thì với 75 kg móc hàm tiểu thương thu được 7,5 triệu đồng/con lợn. Như vậy, mỗi con lợn tiểu thương bán thu lợi từ 1,5-1,9 triệu đồng.

DN chăn nuôi khép kíp được lợi nhiều hơn 1,5 triệu đồng

Sau lời đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngày 10/10, Tập đoàn chăn nuôi C.P đã hạ giá bán lợn hơi xuống 500 đồng/kg.

Ngày 11/10, phóng viên cũng đã trao đổi với ông Xuân, ông Bình và một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Từ người quản lý đến nông dân đều cho rằng giảm giá kiểu này chỉ là cách đối phó của DN với cơ quan nhà nước. Giá bán lợn hơi điều chỉnh xuống 40.000 – 45.000 đồng/kg thì mỗi con lợn người nuôi đã có lãi từ 500.000 – 1 triệu đồng/con.
 Sườn non ở chợ bán 120.000 đồng/kg tại Big C bán với giá 154.000 - 158.000 đồng/kg.
Phóng viên cũng đã khảo sát giá bán thịt lợn tại các siêu thị Big C và Co.opmart. Tại đây giá bán một số sản phẩm thịt của các DN chăn nuôi cũng ngang với giá bán ngoài chợ. Cụ thể, xương cục, xương ống, thịt nạc vai, thịt bắp giò, ba chỉ dao động từ 70.000 – 118.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sườn non tại Co.opmart bán với giá 148.000 đồng/kg. Còn tại Big C sườn non bán từ 156.000 – 158.000 đồng/kg. Tại một siêu thị khác giá bán ba chỉ 129.000 đồng/kg. Thịt chân giò 115.000 đồng. Sườn non 159.000 đồng/kg. Nạc vai 139.000 đồng/kg. Như vậy, có một số sản phẩm thịt lợn tại siêu thị đã bán cao hơn ngoài thị trường đến 30.000 – 40.000 đồng/kg.
 Các sản phẩm thịt tại Co.opmart bán từ 70.000 - 148.000 đồng/kg. Sườn non cao nhất là 148.000 đồng/kg. Tại các siêu thị không có thịt lợn của Công ty C.P.
Điều đặc biệt, những năm trước tại các siêu thị kể trên thì Công ty C.P vẫn có thịt bày bán. Tuy nhiên, năm nay theo khảo sát của phóng viên, trên các kệ của siêu thị chỉ có thịt gà, không có thịt lợn của Công ty C.P.

Chỉ tính giá bán ngang với thị trường thì DN chăn nuôi thực hiện quy trình theo chuỗi từ chuồng nuôi - giết mổ - cung ứng đến tay người tiêu, nếu cộng tất cả các khoản thu từ các khâu dịch vụ gồm (lãi của người nuôi + thu dịch vụ giết mổ + dịch bán hàng) mỗi con lợn vào đến bếp ăn, người tiêu dùng phải bỏ thêm khoảng gần 4 triệu đồng.

Theo một số chủ trang trại và đại diện địa phương, hiện nay giá thịt lợn hơi chưa có chiều hướng giảm. Bởi lẽ, thịt lợn ngoài các hộ dân không nhiều nên các DN đang ghìm chân thương lái. Nhiều trang trại còn ghìm hàng không bán ra chờ giá cao hơn.