“Sân nhà” là cứu cánh cho ngành dệt may

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện ngành dệt may chủ yếu sản xuất gia công cho DN nước ngoài nên mặc dù liên tục xuất siêu, thế nhưng giá trị gia tăng mặt hàng này lại không cao.

Để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm, DN dệt may nên đẩy mạnh khai thác, mở rộng thị phần thị trường nội địa thông qua Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Phụ thuộc vào gia công xuất khẩu

Theo báo cáo ngành dệt may của Công ty Chứng khoán quốc tế (VIS), dệt may là một trong những ngành xuất siêu kỷ lục của Việt Nam khi năm 2017 đạt thặng dư đến 15,5 tỷ USD. Trong 9 tháng qua kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may đã đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, 4 thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm đến 75% giá trị hàng dệt may XK Việt Nam. Các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ bên cạnh thị trường mới Trung Quốc cũng gia tăng đến gần 50%.
 Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Chiến Thắng. Ảnh: Thanh Hải
Mặc dù kim ngạch XK ngành dệt may tăng cao, nhưng giá trị gia tăng ngành hàng này lại không như mong muốn khi phần lớn là hợp đồng XK gia công, còn những đơn hàng, hợp đồng sản xuất hay XK theo ODM (bao gồm cả khâu thiết kế) chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong kim ngạch XK.

“Những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong top đầu các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới. DN Việt Nam hiểu rõ về văn hóa Việt Nam nên sẽ thiết kế được sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu người tiêu dùng. Vấn đề là họ có muốn làm hay không chứ không phải không đủ năng lực thực hiện”.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Kinh tế (Học viện Tài chính)

“Do vậy, thiếu tự chủ về các nguyên phụ liệu quan trọng, đặc biệt là nguồn cung vải, bông, sợi... tiếp tục là điểm nghẽn, nên lợi nhuận thu về của ngành dệt may rất thấp”. - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang

Phân tích nguyên nhân khiến ngành dệt may chủ yếu gia công sản phẩm cho DN nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết: Ngành dệt may có nhu cầu rất lớn về vải, nhưng DN không tự chủ được nguồn nguyên liệu buộc phải nhập khẩu đến 86% tổng nhu cầu, đặc biệt 46% lượng vải nhập khẩu là từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong 9 tháng qua, ngành dệt may đã nhập khẩu lượng nguyên liệu trị giá 13,7 tỷ USD trong đó mặt hàng vải lên đến 9,4 tỷ USD vải tăng 13,5%, nguyên phụ liệu dệt may 4,3 tỷ USD tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Coi trọng thị trường nội địa

Theo đánh giá của VITAS, hiện Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm từ 5 - 6% chi tiêu của người dân, tương đương từ 4 - 4,5 tỷ USD đã cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng đối với các DN dệt may trong việc nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Tuy nhiên để khai thác được thị trường nội địa đòi hỏi ngành dệt may tập trung đầu tư vào những DN có thị phần tốt ở thị trường trong nước, thúc đẩy DN tăng quy mô để giảm giá thành và phương án sử dụng chung hệ thống phân phối nhằm khai thác tối đa hiệu suất tài sản cố định. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam Hoàng Vệ Dũng cho biết: Thị trường "nội" chính là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh, nâng cao giá trị gia tăng hàng XK, vì làm tốt thị trường trong nước DN sẽ xây dựng được thương hiệu nâng giá trị gia tăng trong quá trình đàm phán hợp đồng sản xuất hàng XK cho DN nước ngoài. Để làm được điều này đòi hỏi DN phải làm song song 2 việc gồm: Tăng cường đầu tư, nghiên cứu thiết kế để đưa ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu riêng và đẩy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ. “Tổng Công ty CP May Việt Tiến có 3.000 cửa hàng bán quần áo, có thể kết hợp phân phối thêm đồ lót từ Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, chăn, ga, gối trải giường của Tổng Công ty CP Phong Phú… Hình thức kết hợp này không tạo sự cạnh tranh với hàng hóa của Việt Tiến, mà chỉ tạo ra sản phẩm bổ sung, giúp giảm chi phí phát triển hệ thống và khai thác tối đa tài sản cố định” - ông Hoàng Vệ Dũng nêu ví dụ.

Đồng tình với ý kiến này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Kinh tế (Học viện Tài chính) cho rằng: DN Việt Nam bên cạnh việc quan tâm xây dựng thương hiệu của riêng mình đồng thời phát triển hệ thống bán lẻ bằng cách hợp tác với các nhà bán lẻ lớn như Big C, Saigon Co.opmart, Aeon Việt Nam nếu muốn cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Bên cạnh đó, DN Việt thay vì sản xuất theo phong trào cần lựa chọn hướng đi riêng từ đó chuyên môn hóa sản phẩm may mặc, không sản xuất nhỏ lẻ, trùng lặp, qua đó tiết giảm chi phí sản xuất.

Thực tế cho thấy, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, rất có thể các nước nhập khẩu dệt may lớn trên thế giới sẽ giảm dần việc thuê gia công sản phẩm ở các nước có giá nhân công rẻ. Vì vậy, nếu các DN thời trang may mặc Việt không từng bước xây dựng thương hiệu thiết kế riêng, qua đó từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đảm bảo sự phát triển cân đối giữa thị trường XK và trong nước thì khó có thể tồn tại.